Theo một báo cáo của Cơ quan điều tra môi trường (EIA), khoảng 6 triệu cây gỗ hồng mộc (hay còn gọi là gỗ trắc) ở Ghana đã bị đốn hạ để xuất khẩu trái phép sang Trung Quốc kể từ năm 2012.
Mặc dù lệnh cấm được áp dụng từ năm 2012 và được thắt chặt, việc buôn lậu và chặt gỗ hồng mộc vẫn tiếp diễn, chủ yếu được sử dụng để làm đồ nội thất theo phong cách hoàng gia ở Trung Quốc.
Đáng nói là loài quý hiếm này phải mất 100 năm để phát triển.
Theo báo cáo, các quan chức tham nhũng ở Ghana đã tiếp tay cho việc cấp giấy tờ cho phép gỗ được xuất đi.
Ghana và các quốc gia Tây Phi khác là “nạn nhân” của nhu cầu vô độ và không được kiểm soát của Trung Quốc đối với gỗ hồng mộc.
“Kể từ năm 2012, hơn 540.000 tấn gỗ hồng mộc – tương đương với 23.478 container hoặc khoảng sáu triệu cây – đã được khai thác và nhập lậu vào Trung Quốc từ Ghana trong khi lệnh cấm khai thác và buôn bán đã được thực hiện”, EIA chỉ rõ.
Các cuộc điều tra đã phát hiện “một kế hoạch buôn bán gỗ lớn được thể chế hóa, được hỗ trợ bởi nạn tham nhũng và câu kết ở cấp cao”.
Nhóm thực hiện chiến dịch cũng cho rằng việc khai thác gỗ đã góp phần vào cuộc khủng hoảng sa mạc hóa ở Ghana.
Nhóm kêu gọi đình chỉ việc buôn bán gỗ hồng mộc trên khắp khu vực Tây Phi, đồng thời đề nghị Trung Quốc tuân thủ các thỏa thuận quốc tế về các loài có nguy cơ tuyệt chủng.
Gỗ hồng mộc được bảo vệ theo Công ước CITES nhưng EIA nói rằng sự bảo vệ này là không đủ.
Tháng 5/2019, Gabon đã sa thải phó tổng thống và bộ trưởng lâm nghiệp sau khi 300 container gỗ kevazingo (còn được gọi là gỗ cẩm lai châu Phi) bị mất tích.
Nhật Anh (Theo BBC)