Ẩn sau vẻ đẹp lộng lẫy của những loại trang sức chế tác từ ngà voi, kèm những lời chào mời có cánh, là những tiếng thét thảm thương, là dòng máu tươi chảy ra từ thân xác của “người bạn lớn.”
Tin lời đồn thổi vô căn cứ rằng ngà voi, lông đuôi voi sẽ xua đuổi tà khí, mang lại may mắn, không ít người đã sẵn sàng chi khoản tiền lớn để sở hữu những miếng ngà, chiếc nhẫn vốn là “hàng cấm,” nhằm thể hiện “đẳng cấp” của dân chơi.
Vậy nhưng, ẩn sau vẻ đẹp lộng lẫy của hàng loạt món trang sức được chế tác từ ngà của “người bạn lớn,” kèm với những lời chào mời có cánh trên mạng xã hội, là những tiếng thét thảm thương, là dòng máu tươi chảy ra từ thân xác của những cá thể voi hoang dã đang bị thợ săn giết hại một cách tàn nhẫn.
Buôn bán ngà voi lậu “đội lốt” tiệm vàng
Sáng 25/7, phóng viên VietnamPlus tìm đến phố Cầu Đất (Ngô Quyền, Hải Phòng) theo lời chỉ dẫn của một số người làm công tác bảo tồn để ghi nhận các tiệm vàng chuyên bán sản phẩm được chế tác từ ngà voi, nổi tiếng ở vùng đất Cảng.
Theo danh sách một loạt tiệm vàng bán “hàng cấm,” chúng tôi nhanh chóng có mặt tại phố Cầu Đất, rồi lần lượt tiếp cận các tiệm vàng lớn, nhỏ. Trong vai dân chơi đi mua ngà voi, người viết dễ dàng hỏi mua, tận mắt nhìn và cầm nắm hàng loạt sản phẩm trang sức được chủ các tiệm vàng giới thiệu chế tác từ ngà trắng như nhẫn, vòng tay, tượng khắc hình phật, bày bán với kèm giấy tờ khẳng định là hàng thật.
Thậm chí, có chủ cửa hàng còn khẳng định như đinh đóng cột rằng “chỉ cần khách cần, đặt cọc tiền thì muốn mua cả khúc ngà voi cũng có.”
Đơn cử như tại tiệm vàng có tên Doanh nghiệp tư nhân vàng Q.H, có địa chỉ tại số 96+98+100 Cầu Đất. Ngay khi chúng tôi ngỏ ý muốn sản phẩm ngà voi, nữ nhân viên của tiệm vàng liền đưa ra một chiếc nhẫn màu trắng cho khách xem, sau đó nhìn thẳng vào mắt chúng tôi bảo rằng “đây không phải là hàng thật đâu anh nhé.”
Vậy nhưng, khi thấy chúng tôi đề cập đến việc chỉ mua hàng thật để lấy may mắn, nữ nhân viên liền đưa khách sang một tủ trang sức khác và nhanh chóng gọi nam thanh niên được cho là ông chủ của tiệm vàng ra giới thiệu. Sau một hồi “quét” camera và đá mắt thăm dò, nam thanh niên bày ra một loạt sản phẩm nhẫn, vòng, mặt tượng được chế tác từ ngà voi rồi quả quyết “đây là hàng thật 100%.”
Như để chứng minh đây là sản phẩm được chế tác từ ngà voi thật, nam thanh niên liền dùng đèn điện thoại soi vào từng món trang sức và bảo chúng tôi xem để nhận dạng hàng thật. Theo lời nam thanh niên này thì “khi soi đèn vào ngà mà nó hiện lên màu hồng tươi cùng đường vân đẹp như vậy là đồ thật.”
Sau đó, nam thanh niên chỉ cho chúng tôi xem từng đường vân nổi trên trang sức và bảo tiếp: “Nếu đồ giả thì nó không có vân như vậy đâu. Yên tâm.”
Thấy chúng tôi vẫn còn băn khoăn và ngỏ ý cần mua thêm khúc ngà để đục thành tượng lớn đặt trong nhà, nam thanh niên tiệm vàng Q.H liền bảo: “Khúc ngà khi cần là có, nhưng đúc giờ lâu lắm. Hiện chỗ mình có sẵn tượng thôi. Thích thì để lại số điện thoại, mình sẽ gửi hình cho xem.”
Khoảng ít phút sau khi rời khỏi tiệm vàng, tin nhắn lạ có tên Đá Quý N.C, địa chỉ 97 Cầu Đất liên tiếp gửi tới các hình ảnh với đầy đủ vòng, lắc và cả khúc ngà voi, kèm theo lời chào hàng. Theo đó, giá của từng loại sẽ được tính theo trọng lượng và mức độ điêu khắc tinh xảo của món trang sức. Ví như, vòng đeo tay có giá từ 6 đến 8 triệu đồng một chiếc, tùy loại. Tượng ngà voi, giá sẽ cao hơn.
Để phối hợp kiểm tra, bắt giữ tang vật, ngay trong ngày 25/7, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã tới Công an thành phố Hải Phòng cung cấp thông tin cũng như liên hệ làm việc với Phòng Cảnh sát môi trường. Tuy nhiên, sau gần 10 ngày trực tiếp đến gửi thông tin và nhiều lần liên hệ làm việc, nhưng đến nay, vẫn không có được cuộc tiếp xúc nào để đem câu trả lời đến cho công luận…
“Đột kích” bắt giữ “hàng cấm”
Cũng như Hải Phòng và nhiều tỉnh thành trên cả nước, một số khu vực trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, thời gian gần đây, tình trạng buôn bán các sản phẩm trang sức được giới thiệu chế tác từ ngà voi cũng diễn ra phổ biến, nhất là tại các điểm phát triển sôi động về du lịch.
Đơn cử như tại khu vực phố Vườn Đào (Bãi Cháy, Hạ Long), ghi nhận của phóng viên liên tiếp vào các ngày 27-29/7 cho thấy, hoạt động rao bán các sản phẩm ngà voi diễn ra nhịp nhàng và sôi động. Các sản phẩm “hàng cấm” này được rao bán phổ biến trong các cửa hàng đồ mỹ nghệ và cửa hàng tổng hợp.
Một trong những điểm bán trang sức ngà voi lớn nhất là cửa hàng số 85, phố Vườn Đào. Tại đây, cả hai lần phóng viên vào hỏi mua “hàng cấm,” bà chủ cửa hàng đều đưa ra 3 hộp đồ trang sức bao gồm nhẫn, vòng, lắc và mặt tượng khắc hình phật, được giấu kín trong tủ. “Tất cả các sản phẩm này đều là hàng thật, có nguồn gốc rõ ràng, nhưng vì cấm bán nên phải giấu kín,” người bán hàng nói.
Vẫn cách nhận dạng ngà voi như bao nơi khác, chủ cửa hàng cầm hai chiếc vòng tay màu trắng được lấy ở hai vị trí khác nhau, đưa lên soi đèn và bày cách phân biệt: “Ngà voi thật khi soi đèn sẽ lộ rõ vân đẹp và màu hồng thế này. Còn vòng giả được làm từ xương, nhựa cứng sẽ không thể có vân tự nhiên và màu như ngà voi.”
Sau một lúc giới thiệu chất lượng sản phẩm, bà chủ cửa hàng ra giá. Theo đó, một chiếc nhẫn lông đuôi voi có giá 1-2 trăm nghìn đồng. Vòng, lắc, tượng khắc hình phật có giá từ 6-9 triệu đồng/chiếc, tùy từng loại.
Ngay sau khi ghi lại hoạt động rao bán “hàng cấm,” phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã liên hệ, thông tin với Công an tỉnh Quảng Ninh và sau đó được giới thiệu làm việc với lãnh đạo Phòng Cảnh sát Môi trường.
Qua điện thoại, lúc đầu ông Đặng Thế Dũng – Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường quả quyết rằng “trên địa bàn không có tình trạng bán ngà voi, tất cả các sản phẩm bán ngoài thị trường là đồ nhựa,” nhưng khi phóng viên thông tin chủ cửa hàng bán trang sức ngà voi khẳng định “100% hàng thật,” ông Dũng liền cử người cùng phóng viên đến Đội quản lý thị trường số 5, để phối hợp kiểm tra, bắt giữ tang vật.
Sau gần một tiếng kết nối và lên phương án “nhập vai” người đi mua “hàng cấm,” phóng viên VietnamPlus tiếp tục được bà chủ cửa hàng giới thiệu các sản phẩm chế tác từ ngà voi. Ngay khi bày tất cả các sản phẩm ra bàn, ông Phạm Anh Tuấn – Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 5 (Chi cục Quản lý thị trường Quảng Ninh) nhanh chóng xuất hiện với chiếc nhẫn hình lông đuôi voi trên tay.
Tại đây, những lời “chào hàng” với chúng tôi, tiếp tục được bà chủ cửa hàng vô tư khẳng định lại với vị Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 5 là “100% hàng thật” đồng thời chỉ cách phân biệt ngà voi thật và giả. Sau đó, phóng viên đã báo cho lực lượng Cảnh sát Môi trường đang mai phục bên ngoài vào lập biên bản, tịch thu tang vật.
Tuy nhiên, khi được hỏi, tại sao trang sức ngà voi được rao bán tràn lan như chính lời bà chủ cửa hàng số 85 Vườn Đào “mời chào,” nhưng lực lượng quản lý thị trường lại không kiểm tra, bắt giữ? Ông Phạm Anh Tuấn lại đá “trách nhiệm” sang cho Chi cục Kiểm lâm và cơ quan công an, bởi lý do “việc kiểm tra, bắt giữa các sản phẩm động vật hoang dã không liên quan đến quản lý thị trường!”
Hiện nay, vụ việc đã được Phòng Cảnh sát Môi trường bàn giao cho Công an thành phố Hạ Long điều tra, xử lý.
Báo động “thẩm lậu” ngà voi
Theo nhận định của giới chuyên gia bảo tồn, Việt Nam là một trong những thị trường “thẩm lậu” ngà voi sôi động nhất thế giới. Mặc dù, rất nhiều giải pháp mạnh tay đã được triển khai, song công tác đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các đối tượng cầm đầu các đường dây buôn bán trái phép ngà voi lớn vẫn chưa thực sự hiệu quả.
Báo cáo của Hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang dã cho thấy từ năm 2013 đến 2017, các cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam đã bắt giữ và xử lý 48 vụ việc vi phạm với tổng khối lượng sản phẩm liên quan đến voi là 9.732kg (chiếm tỷ lệ cao nhất với 23,55%) trong tổng khối lượng động vật hoang dã đã bắt giữ, tịch thu.
Đối với sản phẩm liên quan đến voi bị bắt giữ, tịch thu thì ngà voi thô có trọng lượng lớn nhất với 89,95% (tương đương 8.753/9.732 kg) trong tổng khối lượng sản phẩm liên quan đến voi bị bắt giữ. Còn lại là sản phẩm chế tác khác (nhẫn, vòng tay…), mặc dù có số lượng bắt giữ tương đối nhiều, nhưng những sản phẩm trang sức này có khối lượng nhỏ, chỉ chiếm 10,04% (tương đương 977/9.732kg).
Từ đầu 2010 đến cuối 2018, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cũng đã ghi nhận khoảng 150 vụ việc vi phạm về ngà voi với tổng khối lượng ngà voi bị thu giữ lên đến hơn 53 tấn. Đặc biệt, có đến hơn 30 vụ việc vận chuyển ngà voi với khối lượng lên tới hơn 500kg/vụ, chủ yếu phát hiện tại khu vực cửa khẩu, cảng biển.
Phần lớn các vụ “thẩm lậu” ngà voi đã được lực lượng Hải quan tịch thu, bắt giữ tại Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Sóc Trăng… Trong đó, Hải quan Hải Phòng được coi là đơn vị bắt giữ và tịch thu tâng vật ngà voi lớn nhất cả nước.
Số liệu do ông Nguyễn Thái Hưng – Đội trưởng Đội Kiểm soát Hải quan Hải Phòng cung cấp cho phóng viên VietnamPlus vào ngày 30/7 cho thấy, từ năm 2013 đến nay, đơn vị này đã bắt giữ và tịch thu hơn 15.470 kg ngà voi. Trong đó, từ đầu năm 2019 đến nay, Hải quan Hải phòng đã bắt giữ hơn 4.078 kg ngà voi.
Theo ông Hưng, phần lớn tang vật ngà voi đã bị Hải quan Hải phòng bắt giữ đều có nguồn gốc từ châu Phi, tang vật chủ yếu giấu kín trong các container, thông qua việc vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tại các khu vực cảng trên địa bàn.
Về việc số lượng ngà voi bị bắt giữ tại Hải Phòng tăng đột biến, trong khi liên tiếp 3 năm (từ 2016-2018), không phát hiện có vụ nào, ông Hưng cho rằng “nguyên nhân có thể là do những năm trước Hải Phòng ‘đánh’ mạnh, nên nguồn hàng nó dạt vào các khu vực khác. Sau một thời gian im ắng, nay nó lại đổ vào Hải Phòng.”
Vị Đội trưởng Đội Kiểm soát Hải quan Hải Phòng cũng cho biết các vụ việc bắt giữ ngà voi trái phép đều đã được cơ quan bàn giao cho công an xử lý. Tuy nhiên, hầu hết các vụ việc đều phải đình chỉ điều tra vì không bắt được chủ lô hàng.
“Trong quá trình phát hiện và bắt giữ tang vật, chúng tôi cũng không phát hiện ra chủ của các lô hàng. Còn các tàu, theo quy định của Luật Hàng hải thì không liên quan, vì họ chỉ hoạt động với vai trò là đơn vị vận chuyển hàng hóa. Vì không rõ chủ lô hàng nên việc xử lý các vụ việc là điều rất khó khăn,” ông Hưng nói thêm.