Khi mà cả thế giới đồng loạt tuyên chiến với làn sóng rác thải nhựa – một vấn nạn môi trường nhức nhối, hành động cụ thể của mỗi người, mỗi doanh nghiệp là minh chứng rõ nhất cho nỗ lực bảo vệ môi trường của chính họ. Hãng cà phê Starbucks của Mỹ với “tầm phủ sóng” toàn cầu là một điển hình như thế.
Khởi đầu từ một quán cà phê nhỏ tại Seattle, Mỹ, vào năm 1971, Starbucks nhanh chóng phát triển thành chuỗi cửa hàng cà phê hàng đầu thế giới và là một trong những doanh nghiệp có tốc độ phát triển nhanh nhất tại Mỹ, sở hữu gần 30.000 cửa hàng đặt tại khoảng 70 quốc gia trên toàn cầu.
Với khẩu hiệu “Starbucks là điểm thứ ba mà khách hàng ghé đến sau gia đình và công sở”, Starbucks trở thành địa điểm tụ tập bạn bè hay nơi gặp gỡ của những doanh nhân. Với nỗ lực đưa thương hiệu trở nên thân thuộc đã giúp Starbucks phát triển sự kết nối về cảm xúc với khách hàng. Chính bởi những điều này, mỗi bước đi nhằm bảo vệ môi trường của Starbucks được kỳ vọng đem lại hiệu ứng lan tỏa.
Mới đây nhất, vào cuối tháng Ba vừa qua, Starbucks công bố các kế hoạch thử nghiệm cốc có thể tái chế và phân hủy hoàn toàn. Với quy mô cửa hàng và mạng lưới khách hàng như hiện tại, Starbucks mỗi năm tiêu thụ khoảng 7 tỷ chiếc cốc. Viết trên mạng xã hội Twitter, Starbucks Coffee cho biết: “Ngày hôm nay, chúng tôi tiến gần hơn một bước đến việc sử dụng cốc có thể tái chế và phân hủy hoàn toàn và sẽ thử nghiệm một số thiết kế tại các thành phố được chọn trên thế giới”.
Các thiết kế cốc sẽ được chọn từ các mẫu thắng cuộc thi NextGen Cup Challenge do Starbucks và Closed Loop Partners đồng tổ chức hồi năm ngoái nhằm kết nối các doanh nghiệp, lãnh đạo ngành công nghiệp và các đơn vị tái chế phát triển các giải pháp về cốc có thể tái chế hoặc phân hủy hoàn toàn.
Trả lời phỏng vấn báo giới, Rebecca Zimmer, Giám đốc phụ trách môi trường toàn cầu của Starbucks, cho biết, Starbucks nhận thức được rằng các vấn đề về môi trường và bối cảnh không ngừng biến đổi và hãng cần liên tục xem xét lại các chiến lược và đánh giá các mục tiêu. Bên cạnh đó, Starbucks cần xốc vác và tham vọng trong các mục tiêu, song cũng cần thực tế về những gì hãng có thể đạt được.
Trước đó, vào ngày 9/7/2018, Starbucks thông báo hãng sẽ loại bỏ toàn bộ ống hút nhựa tại hệ thống 28.000 cửa hàng vào năm 2020. Thay vì sử dụng ống hút nhựa, hãng sẽ dùng nắp đậy đồ uống có khe hở nhỏ nhô lên để khách hàng tiện uống, hình thức đã được Starbuck thử nghiệm trên một số đồ uống lạnh tại Mỹ và Canada.
Theo Starbucks, ống hút nhựa khó có thể được tái chế, không chỉ do nguyên liệu sản xuất chúng mà còn do kích cỡ của chúng quá nhỏ để có thể phân loại hiệu quả trên dây chuyền tái chế. Trong khi đó, nắp cốc kiểu mới được làm từ chất liệu polypropylene và có kích cỡ đủ lớn để máy tái chế xử lý. Đối với đồ uống gồm cà phê sữa và đá, Starbucks sẽ sử dụng ống hút bằng giấy hoặc ống hút làm bằng bột gỗ. Theo tính toán của Starbucks, hãng sẽ tiết kiệm được 1 tỷ ống hút/năm.
Cam kết của Starbucks đã bước đầu được hiện thực hóa khi Starbucks Coffee Korea Co., liên doanh giữa Starbucks Coffee Internaltional Inc với nhà bán lẻ Shinsegae (Hàn Quốc), cuối năm ngoái thông báo đã loại ống hút nhựa khỏi các cửa hàng trong nước và thay thế chúng bằng ống hút được làm bằng giấy. Starbucks có khoảng 1.200 cửa hàng tại Hàn Quốc, tiêu thụ khoảng 180 triệu ống hút nhựa mỗi năm.
Với kế hoạch mở thêm 2.100 cửa hàng mới trong năm 2019, một nửa trong số này tại châu Á và tăng khoảng gấp đôi số lượng cửa hàng tại Trung Quốc – động lực tăng trưởng lớn nhất của Starbucks – trong bốn năm tới, hành động của Starbucks hướng đến việc loại bỏ rác thải nhựa nhận được nhiều kỳ vọng.
Theo số liệu mới nhất, Starbucks thông báo lợi nhuận ròng trong quý III của tài khóa 2019 (từ 4-6/2019) ở mức 1,37 tỷ USD, tương đương 1,12 USD/cổ phiếu, tăng so với mức lợi nhuận 852,5 triệu USD (hay 61 xu Mỹ/cổ phiếu) của cùng kỳ tài khóa trước. Doanh thu thuần tăng 8% lên 6,82 tỷ USD, cao hơn so với mức dự kiến 6,67 tỷ USD.