Thời gian qua, Công ty TNHH Tiến Đạt được cấp phép làm chủ đầu tư dự án thủy điện sông Chảy 3, đoạn chảy qua địa phận huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Công ty này vừa làm chủ đầu tư, vừa thi công. Nhưng thay vì làm đúng các quy định của pháp luật thì doanh nghiệp này lại “tiện máy” sàng nghiền cát, sỏi dưới sông để xúc mang lên đánh đống, phục vụ thi công. Hành vi này đúng hay sai, ai phải chịu trách nhiệm trước tình trạng này?.
Qua tố cáo của người dân địa phương về những hành vi khai thác cát trái phép tại công trường của thủy điện sông Chảy 3, phóng viên đã có mặt tại hiện trường của dự án này. Ngay tại bãi bồi phía hạ lưu của dự án thủy điện, phóng viên thấy có 2 máy xúc đã “kẽo kẹt” khai thác cát. Một chiếc máy xích, liên tục thò gầu 1,2m vào các bãi bồi giữa dòng, múc lên cát sỏi đổ thành đống. Một chiếc xúc lốp màu đỏ khác lại xúc cát ráo từ đống này đổ vào dàn sàng để phân loại cát ra cát, sỏi ra sỏi.
Chị Triệu Thị Phương, một người dân sinh sống tại đây, thường xuyên đi lại qua khu vực thi công nhà máy cho biết: Việc chở cát từ sông lên bãi ven đường là hoạt động hàng ngày của đơn vị đang thi công thủy điện ở đây. Cát nhiều, người dân đến hỏi mua, họ cũng bán mà.
Trực tiếp ghi hình tại hiện trường, phóng viên nhận thấy những tố cáo về tình trạng khai thác khoáng sản ở đây là có thật. Phía Cty TNHH Tiến Đạt (có trụ sở đại diện ở TT Vinh Quang, huyện Hoàng Su Phì) được UBND tỉnh Hà Giang cho phép làm chủ đầu tư dự án thủy điện Sông Chảy 3.
Với tổng mức đầu tư khoảng gần 700 tỷ đồng. Trao đổi với các cán bộ đang thi công trực tiếp ở đây, những người này cho biết: Máy xúc phía dưới sông là của đơn vị. Nhưng họ cũng không lý giải nổi tại sao lại xúc cát dưới sông lên đánh đống vào đây làm gì? Khi được hỏi giấy phép tận thu khoáng sản có không, thì không ai trả lời nổi.
Liên hệ đến ông Thèn Ngọc Minh, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì. Ông Minh lấy cớ đang họp và giao cho Trưởng phòng TN&MT huyện trả lời. Tiếp phóng viên, ông Phong, Trưởng phòng TN&MT huyện Hoàng Su Phì thừa nhận có tình trạng đó, nhưng chỉ là đơn vị cấp huyện nên cũng khó xử lý.
Lý do là chỗ các đơn vị thi công nó cũng xa UBND huyện nên không có người để đến giám sát thường xuyên, ngăn chặn, cũng theo ông Phong, không có giấy phép nào cho phép Công ty TNHH Tiến Đạt “tận thu” khoáng sản tại đây cả. Nếu đơn vị có làm cũng là hành vi không đúng, ông Phong thẳng thắn cho biết.
Việc Công ty TNHH Tiến Đạt thi công thủy điện sử dụng cát có đảm bảo chất lượng, đúng quy định pháp luật hay không, đã đến lúc cần phải làm rõ.
Nhật Quang