Đó là ý kiến của một chuyên gia uy tín trong ngành thủy lợi khi trao đổi với NNVN.
Vị chuyên gia này cho rằng: Phương án xây dựng đồng thời 2 đập dâng điều tiết trên hệ thống sông Hồng đoạn qua Hà Nội (một tại cống Long Tửu trên sông Đuống và một tại cống Xuân Quan trên sông Hồng) mặc dù có thể giải quyết được tổng thể nhiều vấn đề về kinh tế, xã hội, môi trường…
Tuy nhiên, cần phải thận trọng và có đánh giá kỹ về những tác động có thể xảy ra, đặc biệt là tác động tới môi trường khu vực trên và dưới công trình, cũng như các giải pháp nhằm đảm bảo cho giao thông đường thủy ngày càng tăng cao.
Vị này cho rằng, ở khía cạnh phục vụ SX nông nghiệp cũng như giúp “hồi sinh” các hệ thống sông ngòi phía tây Hà Nội hiện nay, nếu chọn giải pháp đập dâng, thì phương án xây dựng đập dâng trên sông Đà để lấy nước vào sông Tích sẽ là tối ưu hơn so với việc xây dựng đập dâng trên sông Hồng (đoạn qua Hà Nội).
Theo đó, đập dâng trên sông Đà nhằm đẩy nước vào sông Tích sẽ giúp cải thiện, làm sống lại nhiều hệ thống “sông chết” phía tây Hà Nội hiện nay như sông Đáy, sông Tích – sông Bùi, sông Nhuệ. Đồng thời, phục vụ tưới tiêu, phòng chống lụt bão, đời sống dân sinh… cho nhiều triệu người trong khu vực. Các công trình phục vụ tiếp nước ở hệ thống này đã cơ bản có sẵn, chỉ cần cải tạo, nâng cấp và bổ sung nên chi phí đầu tư thấp…
Hiện nay, Hà Nội cũng đã và đang triển khai đầu tư sửa chữa, nâng cấp các hạng mục công trình đầu mối; nạo vét, cải tạo lòng dẫn sông Đáy; củng cố, nâng cấp đê Đáy, Bùi…
Trở lại với đề xuất xây dựng đồng thời 2 đập dâng trên sông Hồng đoạn qua Hà Nội. Đề xuất này thuộc đề tài độc lập cấp Nhà nước do Viện Khoa học Thủy lợi (KHTL, Bộ NN-PTNT) chủ trì, phối hợp với Viện Quy hoạch Thủy lợi, Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam nghiên cứu.
Theo đó, 2 đập dâng này chỉ là 2 trong số 10 công trình được đề xuất trong tổng thể dài hạn đối với toàn vùng hạ du hệ thống sông Hồng – sông Thái Bình. Với mục tiêu vừa kiểm soát mặn kết hợp dâng nước cho thượng lưu, đề tài nghiên cứu cho rằng trong dài hạn, phải làm đồng thời các công trình này mới pháy huy được hiệu quả tổng thể.
Bên cạnh 2 đập dâng trên hệ thống sông Hồng đoạn qua Hà Nội, đề tài cũng đề xuất xây dựng 1 dập dâng nước trên vùng trung lưu sông Hồng giữa ngã ba sông Thao – sông Đà và ngã 3 sông Lô – sông Hồng để hỗ trợ dâng nước vùng hạ du sông Đà và sông Thao trong trường hợp các hồ chứa trên thượng nguồn sông Đà vận hành xả thấp hơn bình thường.
Công trình này mang tính đặc thù cao ở chỗ có thể kết hợp với thủy điện cột nước thấp và tận dụng lợi thế về nguồn nước sạch, đầu nước cao có thể dẫn sâu về hạ du cung cấp nước sinh hoạt và xử lý môi trường cho hạ du.
Trong điều kiện biến đối khí hậu, nước biển dâng, đề tài đề xuất trong tương lai, cần xây dựng thêm hệ thống các công trình cửa sông ven biển có chức năng chính là kiểm soát mặn và kết hợp dâng mực nước cụ thể như: Công trình Ba Lạt trên Sông Hồng; Công trình trên sông Ninh Cơ; sông Đáy; sông Trà Lý; sông Hóa; sông Mới; công trình Đò Hàn trên sông Thái Bình.