Thời gian qua, nhiều đơn, thư của người dân xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) phản ánh quyền lợi của mình bị xâm phạm khi buộc phải liên kết tham gia trồng rừng. Tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi bất ngờ với cách làm gây bất lợi cho người dân của Công ty Lâm nghiệp Thái Nguyên.
Những bản hợp đồng bất lợi cho người dân
Công ty Lâm nghiệp Thái Nguyên (Công ty LN) được Nhà nước giao quản lý, sử dụng hàng nghìn héc-ta đất lâm nghiệp trên địa bàn xã Cây Thị, nhưng do không có khả năng tự trồng nên giao khoán cho người dân địa phương trồng rừng.
Trong khi đó, do thiếu đất canh tác, thiếu việc làm, người dân phải nhận khoán trồng rừng, đến khi rừng được khai thác thì gần như buộc phải nộp sản lượng gỗ lên đến 30% năng suất.
Rừng trồng đến thời điểm khai thác, Công ty LN Thái Nguyên yêu cầu dân phải ký vào bản hợp đồng giao khoán trồng rừng thì mới cấp các thủ tục được phép khai thác, vận chuyển. Các bản hợp đồng được để trống thời gian, nội dung thỏa thuận, đến khi nhận lại người dân mới phát hiện nhiều nội dung bất lợi cho mình.
Ông Triệu Phúc Dương, ở xóm Suối Găng cho biết, gia đình ông bỏ vốn tự trồng rừng, nhưng phía Công ty LN Thái Nguyên yêu cầu phải ký hợp đồng nhận giao khoán trồng rừng với các điều khoản phải nộp sản lượng gỗ quá cao, lên đến 40 m3/ha mới được khai thác.
Còn ông Nguyễn Trọng Oánh ở xóm Mỹ Hòa, bức xúc vì các nội dung trong bản hợp đồng trước đó đã bị Công ty LN Thái Nguyên thay đổi. Thậm chí, bản hợp đồng giao khoán của gia đình ông có lô rừng trùng với lô rừng của hộ ông Hà Văn Sang.
Nhiều bản hợp đồng mà Công ty LN Thái Nguyên và người dân ký kết đều không được hai bên thỏa thuận trực tiếp về diện tích và các điều khoản khác một cách cụ thể. Ðiển hình là ông Dương Cao Khải, ở xóm Hoan, thực hiện trồng rừng từ năm 2016 với diện tích hơn 1 ha.
Cuối năm 2018, ông đến Công ty LN Thái Nguyên để nhận hợp đồng giao khoán thì mới phát hiện diện tích đã được nâng lên là 15,7 ha.
Tương tự, ông Triệu Hữu Lưu, ở xóm Suối Găng, tự bỏ vốn trồng 0,5 ha keo, do cây đổ nên phải khai thác non, khi thực hiện thủ tục vận chuyển thì được ông Trần Văn Ðịnh (Ðội trưởng Ðội lâm nghiệp số 4 thuộc Công ty LN Thái Nguyên) yêu cầu ký hợp đồng trồng mới với những điều khoản bỏ trống. Sau đó, ông Lưu tự trồng lại 0,5 ha keo.
Khi ông Lưu lấy hợp đồng thì phát hiện diện tích đã được ghi tăng lên 4 ha. Năm 2016, hộ ông Phạm Duy Quyền, ở xóm Mỹ Hòa trồng 2,8 ha rừng, khi nhận được hợp đồng trồng rừng từ Công ty LN Thái Nguyên thì diện tích ghi trong bản hợp đồng đã nhảy vọt lên 19,50 ha.
Chủ tịch UBND xã Cây Thị Dương Minh Thư cho biết, thời gian qua, người dân bức xúc gửi đơn, thư đến các cơ quan chức năng phản ánh tình trạng hợp đồng trồng rừng gây bất lợi cho người trồng.
Chúng tôi đã nhận được đơn thư của các hộ dân, trong đó phản ánh, người dân không được bàn bạc, thỏa thuận khi ký hợp đồng, nhiều trường hợp ký hợp đồng trắng, nhưng khi Công ty LN Thái Nguyên cung cấp hợp đồng thì diện tích đã bị thay đổi theo hướng tăng lên so với thực tế. Việc áp mức khoán quá cao khiến người dân gặp nhiều bất lợi.
Công ty LN Thái Nguyên hiện đang quản lý hơn 1.000 ha đất rừng ở xã Cây Thị và thực hiện việc giao khoán trồng rừng với những mô hình cụ thể, như mô hình rừng trồng khoán hộ đầu tư cao thì người dân được nhận tiền nhân công, cây giống, phân bón, chăm sóc, bảo vệ tổng số là khoảng 27 triệu đồng/ha/chu kỳ chín năm.
Cuối chu kỳ, công ty thu 80 m3 gỗ đứng, sản phẩm vượt khoán được chia hai, mỗi bên hưởng 50%. Ðối với mô hình rừng trồng khoán hộ đầu tư thấp, công ty đầu tư cây giống và mức thù lao cho người trồng là 1,3 triệu đồng/ha, cuối chu kỳ bảy năm, công ty thu hồi sản phẩm gỗ đứng là 40 m3/ha.
Về mức khoán nêu trên, ông Triệu Sinh Tiến, ở xóm Khe Cạn, chia sẻ, trên thực tế, Công ty LN Thái Nguyên đầu tư cây giống và một phần tiền nhân công trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng với tổng số tiền mỗi hộ nhận được chỉ 1,3 triệu đồng/ha.
Cuối chu kỳ trồng rừng, người dân ở đây phải trả cho công ty 40 m3 gỗ/ha, khối lượng còn lại chỉ còn khoảng từ 30 đến 40 m3 gỗ/ha thì người dân quá thua thiệt. Ông Nghiêm Xuân Minh cùng ở xóm Khe Cạn phân tích, trung bình một chu kỳ bảy năm, thu được từ 50 đến 70 triệu đồng/ha rừng, trong khi đó với mức khoán hiện tại, Công ty LN Thái Nguyên đã thu của người dân từ 20 đến 23 triệu đồng/ha rừng.
Ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, sinh kế của người dân là trồng rừng, từ khi trồng, chăm sóc, bảo vệ, phòng, chống cháy rừng suốt bảy năm mà người dân chỉ được hưởng một phần nhỏ, như thế là quá bất công.
Ðầu năm 2019, UBND xã Cây Thị tổ chức hội nghị đối thoại giữa người dân địa phương với Công ty LN Thái Nguyên. Một số nội dung đã được thống nhất nhưng Công ty LN Thái Nguyên chậm hoặc không thực hiện.
Cần giao đất cho dân quản lý, sử dụng
Sau khi bàn giao hàng nghìn héc-ta đất lâm nghiệp cho các địa phương những năm trước đây, hiện nay Công ty LN Thái Nguyên đang quản lý gần 10.000 ha đất lâm nghiệp trải rộng trên địa bàn các huyện Phú Bình, Ðồng Hỷ, thị xã Phổ Yên, TP Thái Nguyên và TP Sông Công.
Do không có khả năng tự trồng rừng nên Công ty LN Thái Nguyên buộc phải giao khoán, hợp đồng trồng rừng với người dân địa phương. Về phía người dân, nhất là ở vùng sâu, miền núi như xã Cây Thị, ruộng cấy lúa ít, thậm chí đất lâm nghiệp do Công ty LN Thái Nguyên quản lý ngay sát nhà nên không có cách nào khác là phải nhận khoán trồng rừng để tạo sinh kế.
Phó Giám đốc Công ty LN Thái Nguyên Nguyễn Anh Tuấn cho biết, công ty tiếp tục dự kiến trả thêm đất cho địa phương, chỉ giữ lại diện tích phù hợp. Tuy nhiên, ông Tuấn lý giải, do trước đây không có bản đồ giải thửa, bản đồ chi tiết mà chỉ có bản đồ khoanh vẽ nên việc bàn giao gặp nhiều khó khăn.
Muốn bàn giao phải rà soát, sau đó có bản đồ giải thửa, bản đồ chi tiết phù hợp với thực tế thì mới bàn giao được. Ðây có lẽ là lý do để công ty chần chừ việc giao đất lâm nghiệp cho địa phương.
Công ty LN Thái Nguyên đang được giao quản lý diện tích đất rừng lớn, nhưng sử dụng lại chưa hiệu quả, biểu hiện rõ nhất là phải giao khoán cho người dân trồng rừng, sau đó thu lợi. Về phía người dân, không còn cách nào khác là nhận khoán trồng rừng và nhận phần thua thiệt về mình.
Khắc phục vấn đề này, UBND tỉnh Thái Nguyên cần chỉ đạo cơ quan chức năng và chính quyền địa phương rà soát toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp mà Công ty LN Thái Nguyên đang quản lý, đánh giá năng lực, nhu cầu, hiệu quả quản lý, sử dụng của doanh nghiệp này.
Nếu Công ty LN Thái Nguyên “ôm” đất, quản lý theo kiểu “phát canh thu tô” thì hoàn thiện các thủ tục để thu hồi, giao cho các địa phương để giao cho người dân quản lý, sử dụng tạo sinh kế bền vững, góp phần giảm nghèo.