Lai Châu có hệ thống sông suối dày đặc, nhiều lợi thế để phát triển thủy điện. Từ năm 2004 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 71 công trình thủy điện được phê duyệt chứng nhận đầu tư, trong đó gần 20 công trình đã hoàn thành, các công trình còn lại đang được xây dựng.
Tuy nhiên, điều đáng nói là chính quyền từ tỉnh đến huyện của Lai Châu buông lỏng công tác quản lý nên nhiều công trình thủy điện có sai phạm nhưng vẫn ngang nhiên được thi công.
Dự án thủy điện Mường Kim II được Công ty cổ phần Thủy điện Than Uyên mua lại từ chủ đầu tư khác và bắt đầu xây dựng từ tháng 5/2018. Đơn vị thi công công trình này đã tự ý khoan, đào hầm dẫn nước xuyên qua Quốc lộ 32, xây dựng một số hạng mục trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ. Thế nhưng, tới ngày 6/6/2019, lực lượng thanh tra Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lai Châu mới lập biên bản vi phạm và đến ngày 12/6/2019, Sở mới ra quyết định xử phạt hành chính.
Vi phạm hành lang an toàn đường bộ
Nhà máy thủy điện Mường Kim II có công suất thiết kế 10,5MW do Công ty cổ phần Thủy điện Than Uyên làm chủ đầu tư. Dự án được xây dựng trên suối Nậm Kim (bản Ngã Ba, xã Mường Kim, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu) và được Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 133, ngày 7/2/2018.
Tháng 6/2019, Thanh tra của Sở Giao thông Vận tải Lai Châu đã lập biên bản, xử phạt hành chính và yêu cầu dừng thi công công trình vì xây dựng nhà máy và đập đầu mối sát taluy âm của Quốc lộ 32, nằm trong phạm vi hành lang an toàn giao thông đường bộ; vị trí gần nhất cách 3m, xa nhất cách 5m. Tuy nhiên, công trình này vẫn tiếp tục được xây dựng và đến nay, Nhà máy thủy điện Mường Kim II đã phát điện.
Tại thực địa dự án thủy điện Mường Kim II, ông Vũ Ngọc Bình, cán bộ thanh tra thuộc Đội Thanh tra giao thông số III, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lai Châu, cho biết đơn vị chủ đầu tư không xuất trình được các giấy tờ liên quan các hạng mục dự án thi công trong phạm vi hành lang đường bộ.
Đội Thanh tra giao thông số III đã lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt về các lỗi: thi công công trình trong phạm vi đất dành cho đường bộ không có giấy phép thi công và sử dụng trái phép đất của đường bộ làm nơi tập kết vật tư, máy móc.
Nghị định số 11 năm 2010 của Chính phủ, quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, tại Điều 15 nêu rõ phạm vi hành lang an toàn của đường cấp V như Quốc lộ 32 có bề rộng tính từ đất của đường bộ trở ra hai bên là 9m. Tuy nhiên, trên thực tế, các hạng mục như công trình hồ đập, hầm dẫn dòng và nhà máy của Dự án thủy điện Mường Kim II đều vi phạm hành lang an toàn giao thông.
“Đơn vị phải chấp hành xin giấy cấp phép mới được thi công, nếu không chúng tôi sẽ chuyển hồ sơ vi phạm sang Ủy ban Nhân dân huyện để tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ toàn bộ công trình để bảo đảm hành lang an toàn đường bộ,” ông Vũ Ngọc Bình khẳng định.
Ngang nhiên đào xuyên quốc lộ
Để lấy nước từ suối Nậm Kim vào đường ống trong lòng núi, công trình thủy điện Mường Kim II bắt buộc phải làm đường hầm dẫn nước xuyên qua Quốc lộ 32. Tuy nhiên, đơn vị thi công công trình thủy điện Mường Kim II tiến hành làm hầm qua Quốc lộ 32 mà chưa được sự đồng ý của các cơ quan chức năng.
Lãnh đạo Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng cầu đường 3 cho biết ngày 21/6/2019, cán bộ Đội quản lý đường bộ 5 phối hợp với cán bộ xã Mường Kim lập biên bản xác nhận các hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của đơn vị thi công Nhà máy thủy điện Mường Kim II.
Biên bản nêu rõ đơn vị thi công dự án Nhà máy thủy điện Mường Kim II đã tự ý mở đường hầm ngang vào núi bên phải tuyến Quốc lộ 32 tại Km 332+200 và khoan đường hầm qua đường tại vị trí Km 334+180 ở bên trái tuyến Quốc lộ 32, trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, làm ảnh hưởng tới kết cấu công trình giao thông đường bộ.
Phóng viên đã liên hệ với ông Lê Quang Hiền, Phó Chánh thanh tra Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lai Châu, và nhận được câu trả lời rằng đến nay, đơn vị chưa cấp phép để công trình thủy điện Mường Kim II đào xuyên ngang Quốc lộ 32. Thanh tra đã xử phạt và yêu cầu phải tháo dỡ công trình vi phạm nhưng chủ đầu tư xin cho thời gian để xin sự chấp thuận của Tổng Cục đường bộ Việt Nam và đề nghị Sở Giao thông Vận tải Lai Châu cấp phép.
“Sai phạm của công trình thủy điện Mường Kim II cũng là lỗi của cơ quan chuyên môn chưa sát sao trong công tác kiểm tra. Nhưng do dự án này được chuyển nhượng cho quá nhiều chủ, mặt khác họ khoan dưới lòng đất nên công tác kiểm tra gặp khó khăn,” ông Lê Quang Hiền cho biết.
Nhiều năm thi công với các sai phạm kéo dài nhưng dự án thủy điện Mường Kim II vẫn ngang nhiên được chủ đầu tư – Công ty cổ phần thủy điện Than Uyên – hoàn thành việc xây dựng. Dư luận đặt ra câu hỏi là có hay không việc buông lỏng quản lý của các cơ quan ở địa phương cũng như sự tiếp tay cho những sai phạm kéo dài của dự án này.
Nổ mìn thi công thủy điện làm nứt nhiều nhà dân
Công trình Thủy điện Mường Kim II được xây dựng tại xã Mường Kim, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu, với công suất 10,5 MW, do Công ty Cổ phần Thủy điện Than Uyên làm chủ đầu tư. Trong quá trình làm hầm dẫn nước, đơn vị thi công đã nổ mìn, làm nhiều nhà dân thuộc bản Ngã Ba, xã Mường Kim, huyện Than Uyên (Lai Châu) nứt, hư hỏng nặng.
Chủ đầu tư công trình phải nhờ chính quyền địa phương đứng ra đánh giá mức độ ảnh hưởng và thỏa thuận với từng gia đình bị nứt nhà để đền bù thiệt hại.
Nhà dân trong khu vực đều bị ảnh hưởng
Ngôi nhà 2 tầng của gia đình ông Đồng Văn Cư được xây dựng cách đây gần 5 năm, ở phía taluy dương bị nứt chằng chéo trên tường, trần nhà.
Ông Cư cho biết những vết nứt này xảy ra từ vài tháng nay do nổ mìn thi công xây dựng Nhà máy thủy điện Mường Kim II. Từ khi xuất hiện những vết nứt trên trần nhà, mỗi khi có mưa, nhà ông bị dột nhiều chỗ, nước thấm qua vết nứt xuống tầng 1. Công ty Cổ phần Thủy điện Than Uyên đã đưa ra phương án bồi thường và cho công nhân đến hỗ trợ sửa nhà cho gia đình ông.
Ở đầu ngã ba Mường Kim, ngôi nhà 3 tầng khang trang mới xây được 2 năm của gia đình chị Hằng Lục cũng bị rạn nứt tường, trần, nặng nhất là khu vực tầng 2.
Chị Hằng bức xúc: “Không biết cơ quan chức năng cấp phép cho nổ mìn thế nào mà chỉ sau một đêm, cả khu vực với hơn 70 hộ dân đều bị nứt nhà, rạn tường. Hiện gia đình chưa nhận đền bù vì cho rằng không thỏa đáng, đưa ra mức hỗ trợ không có căn cứ pháp lý và mong muốn công ty mời đơn vị chuyên môn về thẩm tra, xác định rõ mức độ ảnh hưởng.”
Làm việc với phóng viên, ông Trần Hoài Nam, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Than Uyên, chủ đầu tư dự án cho biết sau khi nhận được phản ánh của nhiều hộ dân về hiện tượng rạn nứt tường, trần nhà do hoạt động nổ mìn thi công đường hầm dẫn nước vào Nhà máy Thủy điện Mường Kim II, công ty, chính quyền xã đã kiểm tra, xác minh tình trạng rạn nứt nhà. Đến nay, 74/76 hộ đã thống nhất phương án đền bù, hỗ trợ. Tổng số tiền sẽ đền bù hơn 3 tỷ đồng.
Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Than Uyên cho biết thêm trước đây, mưa lũ đã cuốn trôi đất, đá công trình thi công Thủy điện Mường Kim II vào ruộng của người dân phía dưới nhà máy. Chính quyền địa phương đã lập biên bản và yêu cầu chủ đầu tư khắc phục đền bù thiệt hại cho người dân.
Vi phạm vị trí bãi thải
Khi được hỏi về giấy tờ pháp lý của dự án cũng như các văn bản cấp phép thi công trong hành lang an toàn giao thông, ông Trần Hoài Nam, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Than Uyên, cho biết đơn vị đang phải mượn văn phòng điều hành, do sợ thất thoát giấy tờ nên toàn bộ hồ sơ dự án vẫn để tại Văn phòng Công ty ở Hà Nội.
Tại công trường, hiện nay chỉ có các văn bản, giấy tờ liên quan đến khối lượng thi công. Công ty có đầy đủ giấy tờ pháp lý và chỉ vi phạm về vị trí bãi thải khi thi công.
Cũng theo Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Than Uyên, công trình nằm ngoài khu đô thị, theo quy định của Luật Xây dựng không phải làm cấp phép xây dựng. Các sở, ban, ngành của tỉnh và huyện đã xuống kiểm tra và báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Sở Tài nguyên và Môi trường Lai Châu đã xuống kiểm tra. Toàn bộ dự án này chỉ vi phạm duy nhất là bãi thải, Sở Tài nguyên và Môi trường Lai Châu đã xử phạt lỗi vi phạm này này 30 triệu đồng.
Để xác thực tính pháp lý của dự án, phóng viên đã có cuộc làm việc với các đơn vị chức năng địa phương nhưng tại Sở Giao thông Vận tải Lai Châu, phóng viên chỉ được cung cấp duy nhất một văn bản tại là quyết định chấp thuận đường đấu nối của Tổng Cục đường bộ Việt Nam.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu đang thành lập Đoàn liên ngành để kiểm tra, thanh tra công tác xây dựng của dự án Thủy điện Mường Kim II.
Theo chủ đầu tư Công ty Cổ phần Thủy điện Than Uyên, dự án Thủy điện Mường Kim II có hơn 100 cổ đông, trong đó nhiều cổ đông ở tỉnh Lai Châu.
Thủy điện Chu Va 2 chưa được giao đất vẫn thi công
Nhà máy Thủy điện Chu Va 2 được Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1500/QĐ-UBND ngày 22/11/2017. Đến nay, công trình này chưa được chính quyền địa phương giao đất (tổng diện tích thực hiện dự án là hơn 12 ha) do vướng mắc trong công tác đền bù với người dân. Mặc dù vậy, chủ đầu tư vẫn tiến hành xây dựng dự án.
Không vì đẩy nhanh tiến độ mà làm sai quy định
Công trình Thủy điện Chu Va 2 do Công ty Cổ phần Tập đoàn xây dựng Thăng Long có trụ sở ở Hà Nội làm chủ đầu tư, người đại diện pháp nhân là ông Phí Văn Thịnh. Dự án Thủy điện Chu Va 2 có công suất lắp máy 12MW, xây dựng trên dòng suối Chu Va thuộc xã Sơn Bình, huyện Tam Đường (Lai Châu). Tiến độ thực hiện dự án từ quý 4/2016 đến quý 2/2019.
Trao đổi với phóng viên về công trình Thủy điện Chu Va 2, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lai Châu Đỗ Văn Xiêng cho biết để tạo điều kiện cho chủ đầu tư, dự án này đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh cho thuê đất đợt 1 theo Quyết định 1185/QĐ-UBND ngày 3/10/2018 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu, với hơn 6ha để xây dựng công trình. Phần diện tích còn lại chủ đầu tư đang tiếp tục đền bù và giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, đến đầu tháng 7/2019 vẫn còn 11/57 hộ dân chưa đồng ý với phương án thỏa thuận, giải phóng mặt bằng nên việc giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại chưa được thực hiện.
Người dân có diện tích đất bị thu hồi để làm công trình Thủy điện Chu Va 2 cho rằng, chủ đầu tư muốn làm dự án phải thỏa thuận mức đền bù hợp lý, không thể áp theo giá đền bù của Nhà nước cho dự án kinh doanh tư nhân.
“Giá công ty đền bù là 20.000 đồng/m2. Gia đình cho rằng quá rẻ nên không đồng ý,” anh Vàng A Chinh, bản Chu Va 8, xã sơn Bình, huyện Tam Đường cho hay.
Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tam Đường Cầm Đức Chiến cho biết trước khi có quyết định cho thuê đất đợt một của tỉnh 2 tháng, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Tập đoàn xây dựng Thăng Long đã tiến hành xây dựng công trình. Đoàn công tác Sở Tài nguyên và Môi trường đã lập biên bản, nhắc nhở chủ đầu tư thực hiện đúng quy định. Dự án phải được tỉnh giao đất mới được xây dựng.
Tự ý tận thu vật liệu xây dựng
Ngoài việc tự ý triển khai dự án khi chưa được bàn giao đất, chủ đầu tư còn ngang nhiên tận thu và khai thác đá, lắp hệ thống máy nghiền phục vụ công trình khi cơ quan chức năng chưa cấp phép.
Theo Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tam Đường, Dự án Thủy điện Chu Va 2 muốn tận thu đá trong phạm vi công trình xây dựng phải có quyết định cho phép của cơ quan chức năng.
Việc tự ý tận thu, khai thác đá trên dòng suối Cha Va và lắp hệ thống máy nghiền phục vụ thi công trình khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép là chưa đúng. Phòng sẽ xuống kiểm tra và làm rõ vấn đề này để trả lời báo chí.
Trao đổi với phóng viên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lai Châu Đỗ Văn Xiêng khẳng định chưa cấp phép tận thu vật liệu xây dựng cho Dự án Thủy điện Chu Va 2. Chủ đầu tư công trình tự ý tận thu đá là sai quy định.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tam Đường Trần Văn Xứng cho rằng chủ đầu tư Dự án Thủy điện Chu Va 2 cần gấp rút hoàn thiện tất cả các thủ tục pháp lý mới được triển khai thi công, đặc biệt là không vì đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình mà làm sai quy định.
Cuối tháng 5/2019, phóng viên vào lán chỉ huy công trình Thủy điện Chu va 2 để đăng ký làm việc nhưng không có mặt người đại diện. Khi phóng viên ra thực địa tại công trình tác nghiệp, đã có một nhóm người đến quát tháo và ra sức ngăn cản. Nhóm người này nói: “Lãnh đạo chúng tôi không cho phép các anh quay và chụp ảnh trong vị trí của dự án đang thi công. Khi có cơ quan chức năng của tỉnh Lai Châu giới thiệu xuống, chúng tôi mới bố trí tiếp đón, làm việc.”
Những sai phạm trong dự án đầu tư thủy điện Chu Va 2 là rất rõ ràng, các cơ quan liên quan của huyện Tam Đường và tỉnh Lai Châu cần sớm vào cuộc làm rõ sai phạm để chấn chỉnh, đưa hoạt động đầu tư dự án thủy điện theo đúng quy định của pháp luật. Khi tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án cần tránh gây bức xúc và đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Chính quyền làm ngơ để thủy điện Nậm Pạc xây dựng ồ ạt
Các Dự án thủy điện Nậm Pạc 1 và Nậm Pạc 2 được Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu cấp chứng nhận đầu tư với tổng công suất hơn 30 MW, xây dựng tại xã Nậm Xe, xã Sin Suối Hồ thuộc huyện Phong Thổ.
Mặc dù chưa thỏa thuận đền bù xong với người dân có đất nằm trong dự án, đồng thời tỉnh Lai Châu chưa cho thuê đất nhưng chủ đầu tư của hai công trình này được chính quyền, cơ quan chức năng làm ngơ để tiến hành khoét núi, xây dựng nhiều hạng mục.
Chưa được thuê đất đã xây dựng dự án
Các Dự án thủy điện Nậm Pạc 1 và Nậm Pạc 2 do Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng thủy điện (có trụ sở tại Hà Nội) làm chủ đầu tư, người đại diện là ông Lê Văn Tảo; tiến độ xây dựng công trình là khởi công quý 4/2018 và hoàn thành quý 4/2020. Theo đại diện chủ đầu tư, Dự án thủy điện Nậm Pạc 1 chưa thỏa thuận xong đền bù đất với hộ dân, Dự án thủy điện Nậm Pạc 2 đang hoạt thiện hồ sơ để trình Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lai Châu thuê đất.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lai Châu Đỗ Văn Xiêng cho biết các Dự án thủy điện Nậm Pạc 1 và Nậm Pạc 2 đến thời điểm ngày 3/6/2019 vẫn chưa được Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu cho thuê đất. Chủ đầu tư – Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng thủy điện tiến hành xây dựng công trình là sai quy định.
Việc các công trình thủy điện chưa được thuê đất mà đã tiến hành xây dựng là do công tác quản lý chưa kịp thời tại địa phương
Việc các công trình thủy điện chưa được thuê đất mà đã tiến hành xây dựng là do công tác quản lý chưa kịp thời tại địa phương. Mặc dù, các công trình thủy điện đều ở xa, nằm trên sông suối nhưng sai phạm này cũng có trách nhiệm từ cấp xã cho đến cấp tỉnh.
Phóng viên TTXVN đã liên hệ với lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phong Thổ (Lai Châu) để làm rõ việc Dự án thủy điện Nậm Pạc 1 và Nậm Pạc 2 chưa được cho thuê đất mà đã tiến hành xây dựng thì trách nhiệm quản lý của đơn vị như thế nào. Tuy nhiên, theo Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phong Thổ Trần Ngọc Khẩn, dự án chưa làm gì, muốn biết rõ cần liên hệ với Trưởng phòng là người phụ trách mảng này.
Tiếp tục liên hệ, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phong Lê Hữu Hồng cho biết mới nhận nhiệm vụ từ tháng 5/2019, chưa đi hết được các xã nên không nắm được tình hình cụ thể về công trình. Thời gian tới, Phòng đã xây dựng kế hoạch để đi kiểm tra và trả lời báo chí sau.
Làm việc với chủ đầu tư, đại diện Công ty Cổ phần tư vấn Đầu tư và xây dựng thủy điện là ông Phí Văn Hưng – Trưởng ban Quản lý Dự án thủy điện Nậm Pạc 1 và Nậm Pạc 2 cho biết hiện nay (thời điểm ngày 10/5/2019), công trình thủy điện Nậm Pạc 1 đang làm ngầm tràn qua suối, cải tạo nâng cấp đường liên bản, xây dựng đường điện phục vụ cho thi công, nhưng do bất cập giữa hồ sơ và hiện trường nên đang tạm dừng xây dựng để điều chỉnh dự án.
Công trình thủy điện Nậm Pạc 2, phần cụm nhà máy đã hoàn thành việc đào đắp hạng mục chính gồm đào phần cửa hầm, cửa ra của hầm, hoàn thành giai đoạn 1 của đường ống áp lực và giai đoạn 1 của nhà máy, đồng thời đã đào được 220 mét đường hầm dẫn nước phục vụ cho phát điện.
Ông Phí Văn Hưng khẳng định: “Chúng tôi bắt buộc phải đảm bảo tiến độ theo chủ trương của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu đề ra.”
Chủ đầu tư không phối hợp với chính quyền địa phương
Lãnh đạo xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ (Lai Châu) cho biết công trình thủy điện Nậm Pạc 1,chủ đầu tư là Công ty Cổ phần tư vấn Đầu tư và xây dựng thủy điện vẫn chưa đền bù xong cho các hộ dân trên địa bàn có đất nằm trong dự án. Diện tích công trình này thu hồi đất của 113 hộ dân là gần 5 ha ruộng và khoảng 30ha đất nương.
Bí thư Đảng ủy xã Sin Suối Hồ Giàng A Vư cho biết đến ngày 18/7, còn 7 hộ dân chưa đồng ý nhận tiền đền bù do chủ đầu tư hẹn chi trả tiền đền bù hết lần này sang lần khác nhưng không thực hiện, giờ họ không đồng ý áp bảng giá cũ nữa.
Lãnh đạo tỉnh và huyện chỉ đạo chính quyền xã phải phối hợp với doanh nghiệp để tháo gỡ những vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng song chính quyền địa phương rất khó khăn để tuyên truyền với người dân khi chủ đầu tư không phối hợp.
Nhiều lần chúng tôi hẹn chủ đầu tư Dự án thủy điện Nậm Pạc là Công ty Cổ phần tư vấn Đầu tư và xây dựng thủy điện nhưng người đứng đầu đơn vị này không có mặt mà cử nhân viên không quyết định được đến để dự họp. Vì vậy, những khúc mắc giữa người dân và chủ đầu tư dự án vẫn không thể giải quyết. Chúng tôi rất bức xúc vì chủ đầu tư Dự án thủy điện Nậm Pạc không hợp tác, thiếu tôn trọng chính quyền địa phương,” Bí thư Đảng ủy xã Sin Suối Hồ cho biết.
Thiếu trách nhiệm trong công tác kiểm tra, giám sát
Trả lời câu hỏi của phóng viên TTXVN về những sai phạm của các công trình thủy điện trên địa bàn như đã phản ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu Giàng A Tính cho biết tỉnh đang đình chỉ thi công công trình và xử lý theo quy định.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu khẳng định các cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở đã thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, xử lý vi phạm của các công trình thủy điện, để xảy ra sai phạm kéo dài.
Trả lại hiện trạng kết cấu hạ tầng giao thông
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu Giàng A Tính, trước thông tin của các cơ quan báo chí phản ánh, ngày 12/7, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu đã thành lập Đoàn công tác liên ngành do Sở Công Thương chủ trì để kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong đầu tư thủy điện Mường Kim II.
Sai phạm tại Dự án thủy điện Mường Kim II gồm: Thi công công trình vi phạm bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và hành lang an toàn giao thông khi chưa được phép; sử dụng trái phép đất của đường bộ làm nơi tập kết vật liệu, máy móc; phá dỡ một số hạng mục đầu mối thủy lợi Phai Ngoa khi chưa được sự đồng ý của các cấp có thẩm quyền. Nội dung vi phạm đào hầm cửa vào và cửa ra của đường hầm dẫn nước xuyên Quốc lộ 32 khi chưa có phép là do chủ đầu tư trước làm…
Về biện pháp xử lý, tỉnh yêu cầu tạm dừng thi công các hạng mục vi phạm hành lang an toàn giao thông, hoàn trả lại hiện trạng kết cấu hạ tầng giao thông và hoàn thiện các thủ tục pháp lý có liên quan. Chủ đầu tư Dự án thủy điện Mường Kim II xây dựng lại tuyến kênh thủy lợi đã dỡ bỏ, phải bàn giao đập và tuyến kênh thủy lợi cho Công ty Thủy nông quản lý; duy trì dòng chảy tối thiểu phục vụ sản xuất…
Ông Giàng A Tính cho biết thêm Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh báo cáo Dự án thủy điện Mường Kim II thi công theo hồ sơ thiết kế được duyệt, các thủ tục pháp lý có liên quan cơ bản đầy đủ và được chủ đầu tư triển khai đúng quy định.
Về việc công trình này nổ mìn khoan hầm dẫn nước làm nứt hơn 70 ngôi nhà của người dân, vẫn còn hai hộ không nhận tiền đền bù, tỉnh sẽ xử lý thế nào, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu cho hay: “Tôi không biết về sự việc này. Cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở cũng không báo cáo.”
Trước việc vi phạm của Dự án thủy điện Mường Kim do Công ty Cổ phần thủy điện Than Uyên làm chủ đầu tư đã đào, khoan hầm xuyên qua Quốc lộ 32 tại Km332+100 và KM334+180 khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thi công, ngày 11/7, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có công văn hỏa tốc gửi các cơ quan chức năng Lai Châu, yêu cầu Sở Giao thông Vận tải Lai Châu tiến hành ngay các thủ tục yêu buộc Công ty Cổ phần thủy điện Than Uyên dừng việc vi phạm; tổ chức khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra…
Sở Giao thông Vận tải Lai Châu khẩn trương tổ chức thực hiện, báo cáo (kèm theo các hình ảnh, tài liệu liên quan đến xử lý vi phạm) về Tổng cục Đường bộ Việt Nam trước ngày 15/7/2019.
Theo ghi nhận của phóng viên, đến ngày 20/7, Nhà máy Thủy điện Mường Kim II đã phát điện và chủ đầu tư dự án này không có bất cứ hoạt động nào để trả lại hiện trạng ban đầu khi tiến hành khoan hầm xuyên qua đường Quốc lộ 32; không tháo dỡ phần hạng mục của nhà máy và đập xây dựng vi phạm hành lang giao thông… Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu chưa giới hạn thời gian nhất định, để buộc chủ đầu tư Dự án thủy điện Mường Kim II phải thực hiện khắc phục sai phạm.
Chưa giao đất mà xây dựng là sai
Đề cập tới việc dự án thủy điện chưa được giao đất mà chủ đầu tư tự ý tiến hành xây dựng công trình, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu Giàng A Tính khẳng định là sai và tỉnh sẽ thành lập Đoàn công tác để kiểm tra, xử lý đúng quy định.
Nếu dự án chưa được giao đất mà xây dựng công trình sẽ phải đình chỉ, dừng thi công. Vấn đề này do trách nhiệm của chính quyền cơ sở, trên địa bàn mình quản lý xảy ra sai phạm như vậy mà không phát hiện được hoặc phát hiện ra mà không báo cáo cấp trên là có lỗi che giấu.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lai Châu, nhiều dự án thủy điện chưa được bàn giao đất vì một phần diện tích xâm hại đến rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Những dự án này muốn được triển khai phải điều chỉnh diện tích hoặc phải được Chính phủ cho phép, theo Chỉ thị 13 của Ban Bí thư về về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Một số dự án cụ thể như: Dự án Thủy điện Nậm Củm 1 công suất 10MW của Công ty Cổ phần năng lượng Nậm Củm 1, có 1,52ha rừng sản xuất và 6,09ha rừng phòng hộ bị ảnh hưởng; Dự án Thủy điện Nậm Củm 2 có công suất 13MW của Công ty Cổ phần phát triển điện Mường Tè, ảnh hưởng hơn 5ha rừng sản xuất và rừng phòng hộ; Dự án Thủy điện Nậm Củm 3 công suất 35MW của Công ty Cổ phần phát triển điện Mường Tè, có hơn 16ha rừng sản xuất bị ảnh hưởng; Dự án Thủy điện Nậm Cuổi có công suất 11MW của Công ty Cổ phần thủy điện Nậm Cuổi, có hơn 13ha rừng sản xuất và rừng phòng hộ bị ảnh hưởng…
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu khẳng định Lai Châu không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế
Từ năm 2004 đến nay, địa bàn tỉnh Lai Châu quy hoạch phát triển 104 dự án thủy điện, trong đó hơn 70 dự án đã được cấp chủ trương đầu tư (gồm 20 dự án đã hoàn thành và phát điện, còn lại đang tiến hành xây dựng công trình, hoàn thiện thủ tục pháp lý để triển khai).
Tỉnh Lai Châu đang chủ trương cho cơ quan chuyên môn khảo sát những vị trí có thể xây dựng được dự án thủy điện, đưa vào quy hoạch phát triển, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế địa phương.
Trao đổi về việc Lai Châu phát triển ồ ạt nhiều công trình thủy điện có ảnh hưởng tới môi trường và gây biến đổi khí hậu không, ông Giàng A Tính, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu khẳng định Lai Châu không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế. Việc phát triển công trình thủy điện có ảnh hưởng tới môi trường, gây biến đổi khí hậu ở mức nào, chỉ có chuyên gia trong lĩnh vực này mới đánh giá xác thực được.