Những cơn bão đầu tiên xuất hiện mặc dù chưa ảnh hưởng lớn đến tỉnh Cà Mau, song những ám ảnh về mưa bão vẫn luôn thường trực trong tâm trí, nỗi lo của người dân, nhất là cư dân sống nơi đầu sóng.
Trước tác động xấu của biến đổi khí hậu, những năm qua, Cà Mau đã mất hàng trăm nghìn hécta đất do sạt lở.
Sạt lở không chỉ diễn ra ở hai bờ biển Đông và Tây mà còn ngay trong nội đồng với tỷ lệ và mức độ thiệt hại ngày càng gia tăng.
Bên cạnh đó, hệ thống thủy lợi chưa hoàn thiện khiến các vùng sản xuất ngọt hóa của tỉnh bị mặn bủa vây tứ phía và ngày càng thu hẹp diện tích. Hệ thống nước ngầm nhiễm mặn, tài nguyên nước ngọt ngày càng khan hiếm đã khiến đời sống sản xuất của người dân gặp nhiều khó khăn, ngoài ra còn tăng nguy cơ cháy rừng vào mùa khô…
Thấp thỏm từng ngày
Lụp xụp, tạm bợ, chông chênh giữa triền đê… là quang cảnh chung về những căn nhà của đa số người dân tại cửa biển Khánh Hội, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.
Thực trạng đó không còn lạ lẫm gì đối với người dân nơi đây cũng như hầu hết người dân sống trên triền đê biển Tây trong suốt nhiều năm qua.
“Cứ bước vào mùa mưa bão, gia đình tôi lại thấp thỏm không yên. Mỗi khi mưa lớn, gió thổi mạnh một chút thôi là giật rung rinh nhà, nước ở phía dưới chân thì dâng lên, vợ chồng, con cái không biết trốn vào đâu, đành ‘cố thủ’ trong nhà. Đó là chưa kể những khi bão tới gần là phải tất tả gom đồ đạc đi tìm nhà để ở tạm,” chị Văn Anh Thư, ấp 1, xã Khánh Hội, huyện U Minh, chia sẻ.
27 năm sống nơi ven đê bất chấp nguy hiểm, bất chấp sự cảnh báo từ cơ quan chức năng, gia đình chị Thư cũng như nhiều hộ dân khác trong khu vực vẫn cố bám trụ vì ngoài nghề đi biển thì không còn biết làm nghề gì để sinh sống.
Hằng ngày, những người đàn ông rắn rỏi đi biển đánh bắt gần bờ hay đi kiếm con cá, con mực trên các ghe biển. Phụ nữ ở nhà chăm con, lột mực thuê cho những doanh nghiệp thủy sản gần đó, thu nhập vì thế cũng bấp bênh theo con nước lớn.
Trong căn nhà mưa tạt gió lùa, đứng phải khom lưng, ông Trần Văn Đức kể gia đình ông buộc phải rời quê hương ra đi vì không có kế mưu sinh, ngay đến “một cục đất chọi chim” cũng không có. Thế là ông về đây sinh sống cũng được gần 30 năm.
Ông Đức trước đây làm nghề câu mực, giờ mấy đứa con lớn lên cũng nối nghiệp cha ra biển mưu sinh, rồi lập gia đình, ra riêng trên phần đất tự cắm gần đó.
Ông Đức thở dài tâm sự: “Hồi trước, tôi còn sức, còn đi biển được, mưa bão, sóng gió cũng đã trải qua cả đời người. Giờ mấy đứa con trai cũng nối nghiệp ra khơi. Mùa mưa bão trên biển thì biết bao biến cố có thể xảy ra, dù gì mình trong đất liền còn có nơi để chạy, giữa biển cả biết nói làm sao. Nhưng cũng đành chịu thôi, biết đi đâu, làm gì bây giờ?!”
Gia đình chị Thư, ông Đức là hai trong số khoảng 5.000 hộ dân trên toàn tỉnh Cà Mau đang sống ở các khu vực cửa biển nguy hiểm hiện nay. Mặc dù địa phương có khoảng 30 khu tái định cư dành cho những hộ này nhưng số lượng này chỉ đáp ứng gần 1/3 nhu cầu.
Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau Nguyễn Long Hoai trần tình: “Đây cũng là trăn trở, lo lắng nhất của tỉnh mỗi khi mùa mưa bão đến. Dù đã chủ động xây dựng kế hoạch, biện pháp phòng chống nhưng rất khó đảm bảo an toàn cho những hộ này khi mưa bão xảy ra.”
Chạy lở
Theo thống kê của Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau, hiện toàn tỉnh có tổng chiều dài sạt lở bờ biển ở mức độ nguy hiểm trở lên là 105km, trong đó sạt lở đặc biệt nguy hiểm là 65km.
Tình trạng sạt lở của tỉnh này diễn ra ở cả biển Đông và biển Tây. Ở bờ biển Đông, bình quân sạt lở mất từ 45-50 m/năm, có nơi sạt lở lên đến 100 m/năm. Còn tại bờ biển Tây, tình hình sạt lở mất khoảng 20-25 m/năm, cá biệt có những nơi lên đến 50 m/năm.
Thực trạng này không chỉ làm mất đất rừng phòng hộ ven biển mà còn làm nhiều hộ dân mất sinh kế, đời sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Chúng tôi ngược về phía biển Đông đến cửa biển Bồ Đề, xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn để tìm đến gia đình ông Lê Minh Luân. Hộ ông Lê Minh Luân sinh sống tại cửa biển Bồ Đề cũng gần 20 năm, khi đó, gia đình ông là một trong những hộ ở gần biển nhất nhưng cũng cách bờ biển Đông khoảng 200m. Vạt rừng phòng hộ phía sau nhà, giúp bà con chắn sóng gió, thế nhưng vài năm trở lại đây, sóng biển đánh vào ngày một dữ dội, đến nay, cả xóm không ai là chưa phải dời nhà, chạy lở.
Theo ông Lê Minh Luân, tình hình sạt lở bờ biển nghiêm trọng bắt đầu từ khoảng năm 2014. Cứ đến mùa gió chướng, người dân nơi đây lại thấp thỏm vì sạt lở. Trước đó, biển dù có lở rồi cũng lại bồi, nhưng nhiều năm nay thì chỉ lở.
“Bà con chỉ biết, lúc nào sóng đánh vào gần đến nhà thì họ dọn nhà, cuốn gói đồ đạc để chạy lở. Trong vòng 3 năm nay, gia đình tôi đã phải 2 lần chạy,” ông Lê Minh Luân, chia sẻ.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau cho biết tỉnh Cà Mau chịu ảnh hưởng nặng nề từ tác động cực đoan của biến đổi khí hậu, diễn biến phức tạp của bão, áp thấp nhiệt đới, lốc xoáy, nước biển dâng, hạn hán… Các hiện tượng này đã gây ra tình trạng sạt lở ven sông, xói lở ven biển, xâm nhập mặn sâu vào nội địa… ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của nhân dân.
Cũng theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau, hiện nhiều khu vực bờ sông, bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng, nhưng thiếu vốn đầu tư khắc phục, di dời dân; một số cơ chế, chính sách không còn phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, chậm được tháo gỡ.
Theo thống kê từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau, thiên tai, đặc biệt là dông, lốc xoáy, triều cường đã gây sạt lở đất ven sông, ven biển làm chết 7 người; sập, hư hỏng 1.655 căn nhà; ngập, sập trên 2.400ha lúa và hoa màu; sạt lở thường xuyên 105km bờ biển. Trong số đó, nhiều đoạn sạt lở đến chân đê biển, xói lở trên 250km bờ sông; ngoài ra các vụ tai nạn trên biển đã làm thiệt mạng 34 người… Tổng thiệt hại về tài sản, ước tính trên 57 tỷ đồng.
Theo nhận định của Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, mùa bão năm 2019 trên khu vực biển Đông đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Thế nhưng, trong đó có khoảng 4-5 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông dự báo thấp hơn so với trung bình nhiều năm, nhưng rất có khả năng xuất hiện những cơn bão mạnh và có đường đi phức tạp.
Trước những diễn biến ngày càng bất thường của thời tiết, thiên tai do tác động của biến đổi khí hậu, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau đã xác định công tác phòng, chống thiên tai lấy phòng ngừa là chính, lấy nhân dân, chính quyền địa phương làm trung tâm, tránh làm cho người dân chủ quan, mất niềm tin; làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, dự báo, cảnh báo phải kịp thời, chính xác.
Các địa phương tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng cứu trong mọi tình huống khi có yêu cầu; phân công trách nhiệm của từng thành viên để chỉ đạo trực tiếp trong vấn đề phòng chống thiên tai; rà soát các phương án phòng chống thiên tai để đảm bảo di dời, chằng chống hiệu quả, để khi thiên tai xảy ra căn cứ theo phương án thực hiện.
Mùa mưa bão năm 2019 đang bước vào cao điểm, những cơn bão đầu tiên đã xuất hiện, mặc dù chưa ảnh hưởng lớn đến tỉnh Cà Mau, song những ám ảnh về mưa bão vẫn luôn thường trực trong tâm trí, nỗi lo của người dân, nhất là cư dân sống nơi đầu sóng.