Thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp cho biết đến nay, 100% chủ rừng là tổ chức đã nhận thanh toán tiền dịch vụ môi trường rừng qua tài khoản.
Cụ thể, đến ngày 24/7, cả nước có 1.342 chủ rừng là tổ chức được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), số tiền đã giải ngân là 1.975,2 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch. Tổng số tiền được chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng chiếm 100%.
gia đình cá nhân, cộng đồng, nhóm hộ được giao rừng đã mở được 44.095 tài khoản ngân hàng và giao dịch thanh toán điện tử để giải ngân được 159,056 tỷ đồng.
Hộ gia đình cá nhân, cộng đồng, nhóm hộ được khoán quản lý bảo vệ rừng đã mở được 8.730 tài khoản ngân hàng và giao dịch thanh toán điện tử để giải ngân được 144,138 tỷ đồng.
Việc ứng dụng công nghệ thanh toán điện tử trong chi trả dịch vụ môi trưởng rừng qua tài khoản ngân hàng hoặc giao dịch thanh toán điện tử được đánh giá là phù hợp với thực tiễn và xu thế chung, đồng thời, với cách chi trả này, tiền dịch vụ môi trường rừng sẽ đến tận tay người nhận một cách nhanh chóng, tiết kiệm chi phí, an toàn và minh bạch.
Chi trả dịch vụ môi trường rừng ngày càng khẳng định là nguồn tài chính quan trọng, bền vững.
Theo chỉ đạo của Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, từ nay đến cuối năm việc chi trả từ quỹ Dịch vụ môi trường rừng không còn chi trả bằng tiền mặt. Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh, các Vườn quốc gia phải gương mẫu đi đầu trong việc này. Hiện nay tại địa bàn khó khăn như Mù Cang Chải đã thực hiện được việc này thì không có chỗ nào không thể làm được tại Việt Nam.
Thứ trưởng Tuấn cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc Tổng cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT) cần tăng cường kiểm tra giám sát các quỹ của địa phương. Việc chi trả Dịch vụ môi trường rừng là chủ trương đúng đắn và được đánh giá là nguồn tài chính bền vững.
Cũng theo thông tin từ Tổng cục Lâm nghiệp, giá trị xuất khẩu lâm sản tháng 7/2019 ước đạt 893 triệu USD, đưa kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2019 ước đạt trên 6 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 5,657 tỷ USD. Xuất siêu lâm sản đạt 4,574 tỷ USD.