Dữ liệu mới được Cơ quan quản lý năng lượng sạch Australia (CER) công bố vào cuối tháng Bảy cho thấy tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc của năng lượng tái tạo trên khắp Xứ sở chuột túi.
Phóng viên TTXVN tại Australia ngày 29/7 dẫn báo cáo của CER cho biết trong năm 2018, Australia đã có thêm nhiều dự án sản xuất năng lượng sạch quy mô lớn với công suất gần 3,5 gigawatt.
Công suất các dự án này gấp đôi quy mô của nhà máy than nâu khổng lồ Hazelwood ở tiểu bang Victoria bị đóng cửa đột ngột 2 năm trước, và gấp ba lần kỷ lục sản xuất năng lượng tái tạo trong một năm được thiết lập vào năm 2017.
Về sản lượng, lượng điện sạch được truyền tải tới các gia đình và doanh nghiệp Australia dự kiến sẽ tăng 36% trong năm nay và sẽ tăng thêm 25% trong năm tới.
Theo CER, tốc độ tăng trưởng này đã đưa Australia trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về phát triển năng lượng tái tạo bình quân trên đầu người.
Với kết quả vốn từng bị coi là “không tưởng” vào 4 năm trước, Australia đã có đủ các dự án đảm bảo hoàn thành cam kết quốc gia đạt mục tiêu năng lượng tái tạo chiếm khoảng 23% tổng điện năng sử dụng vào năm 2020.
Ông Hugh Saddler, nhà tư vấn năng lượng và là phó giáo sư danh dự tại Trường Chính sách công Crawford, thuộc Đại học Quốc gia Australia, đã so sánh tốc độ tăng trưởng của năng lượng sạch nói trên với sự bùng nổ sản xuất điện năng của những năm 1950, khi các nhà máy nhiệt điện than và thủy điện được xây dựng.
Ông cho biết New South Wales, tiểu bang đông dân nhất của Australia, đã nhận được gấp đôi lượng điện năng từ các nhà máy năng lượng Mặt Trời và gió quy mô lớn chỉ trong vòng 14 tháng.
Ông Saddler tin rằng các dự án năng lượng tái tạo mới ở New South Wales có thể lấp đầy khoảng trống phát sinh sau khi nhà máy điện chạy bằng than Liddell ở bang này ngừng hoạt động vào năm 2022, một sự kiện mà mới một năm trước đây còn bị coi là có thể gây ra thảm họa và chính phủ liên bang đã cố gắng gây áp lực để chủ sở hữu nhà máy thay đổi quyết định của mình.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ trong sản xuất điện năng sạch đang tạo ra những điều không thể tưởng tượng được cách đây không lâu.
Trong một khoảng thời gian ngắn cuối tháng Bảy, rất nhiều năng lượng đã được tạo từ gió và Mặt Trời cộng với nhu cầu sử dụng điện giảm xuống rất thấp, đã khiến cho mức giá giao ngay cho điện bán buôn đồng thời giảm xuống 0 đô la Australia (AUD) ở tất cả 5 tiểu bang miền Đông Australia.
Tại thời điểm đó, 44% điện năng được sử dụng trên toàn thị trường là từ nguồn tái tạo, so với 26% trong cả tuần.
Giá điện về 0 USD này không gây ảnh hưởng lớn đối với hóa đơn điện vì chỉ áp dụng trong thời gian ngắn, trong khi hầu hết điện được bán theo giá hợp đồng dài hạn và chi phí bán buôn chỉ là một phần nhỏ của giá điện.
Tuy nhiên, ông Tristan Edis, một chuyên gia năng lượng của công ty tư vấn Thị trường Năng lượng xanh nhận định đó là một thời điểm quan trọng cho thấy tác động của sự bùng nổ trong sản xuất năng lượng tái tạo.
Việc chuyển đổi trong cơ cấu sản xuất năng lượng đang diễn ra đã đặt ra những câu hỏi nghiêm túc cho các nhà quản lý và các công ty sản xuất điện Australia.
Các nhà máy nhiệt điện than, hiện vẫn cung cấp hơn 60% điện lưới, đang phải chịu nhiều áp lực.
Một số nhà máy chạy bằng than đen ở New South Wales phải ngừng hoạt động trong những thời điểm khi hoạt động không đem lại lợi nhuận.
Chính phủ liên bang cũng đã yêu cầu các chủ nhà máy phải thông báo trước 3 năm về thời điểm đóng cửa nhà máy điện.
Các nhà phân tích tin rằng rất có thể một số nhà máy nhiệt điện than sẽ phải ngừng hoạt động sớm hơn dự kiến.
Đánh giá về tốc độ đầu tư vào ngành năng lượng sạch trong tương lai, CER cho rằng triển vọng đầu tư sau năm 2020 là chưa chắc chắn.
Trong khi đó, ông Edis chỉ ra rằng một số quyết định đầu tư năng lượng sạch được đưa ra khi giá bán buôn cao.
Khi lượng điện sản xuất tăng, cung vượt xa nhu cầu và giá giảm, sẽ có ít động lực hơn để xây dựng các dự án năng lượng sạch, trừ khi chính phủ liên bang tiếp tục chính sách khuyến khích phát triển các dự án này.
Nhiều nhà phân tích cũng cho rằng Australia có thể và cần làm nhiều hơn để đóng góp vào việc sớm đạt được mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu ký năm 2015 là giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C.