Cách khu vực thuộc tuyến phòng thủ trọng yếu vịnh Hòn La, xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) vài chục mét “mọc” lên 2 cầu cảng, có cả bến bãi quy mô, tàu thuyền vào ra tấp nập.
Theo ghi nhận, rạng sáng đến trưa mỗi ngày, tại khu vực 2 cầu cảng, hàng chục tàu thuyền và ôtô của thương lái ra vào thu mua hải sản. Chủ nhân của 2 cầu cảng trên là ông Lê Thanh Hiếu và ông Nguyễn Văn Mẫn, đều ngụ xã Quảng Đông. Theo người dân ở đây, tại khu vực vịnh Hòn La có một mặt bằng nổi, ông Hiếu và ông Mẫn đã lén lút đổ thêm đất, cơi nới lấn ra biển để chiếm dụng. “Cầu cảng do ông Hiếu xây dựng hoạt động hơn 1 năm, ông Mẫn thấy làm ăn được nên 2 tháng trước đã chiếm dụng phần đất trống gần đó để làm cầu cảng” – ông H. (ngụ xã Quảng Đông) nói. Từ khi 2 cảng lậu hình thành, ông Mẫn và ông Hiếu chèo kéo tàu thuyền đang đánh bắt trong vùng vào cảng để nhập hải sản và cung cấp các dịch vụ hậu cần nghề cá. Việc này gây ra sự tranh giành, làm mất an ninh trật tự.
Khu Kinh tế Hòn La được thành lập năm 2008 với diện tích 10.000 ha bao gồm đất liền, đảo và mặt nước biển, là khu vực quốc phòng kết hợp kinh tế. Ban Quản lý (BQL) Khu Kinh tế Hòn La quản lý mặt đất, Đồn Biên phòng Roòn thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình giám sát mặt biển, Cảng vụ Hàng hải tỉnh Quảng Bình quản lý cảng biển. Từ năm 2015 đến nay, một số cá nhân tự ý lấn biển xây dựng cầu cảng, nhà ở, hàng quán kinh doanh trái phép. Cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý nhưng chỉ sau một thời gian tạm yên, nhiều người lại tự ý xây dựng các công trình kiên cố hơn.
Ông Nguyễn Đức Hiền, Chủ tịch UBND xã Quảng Đông, thừa nhận việc 2 hộ dân tự ý chiếm dụng mặt bằng rồi xây cầu cảng để kinh doanh tại khu vực vịnh Hòn La trái phép là đúng như phản ánh. Tuy nhiên, ông Hiền cho rằng việc này “khó xử lý” dù đất thuộc địa phương nhưng khu vực này “lấn cấn” trong phạm vi quản lý giữa các ban ngành khác, gồm: BQL Khu Kinh tế tỉnh, Cảng vụ Hàng hải tỉnh Quảng Bình, Đồn Biên phòng Roòn. Theo ông Hiền, trường hợp tự ý lấn chiếm đất để xây cầu cảng của ông Lê Thanh Hiếu, BQL Khu Kinh tế tỉnh đã chủ trì làm việc với địa phương. Sau đó, đã lập biên bản và buộc tháo dỡ nhưng đến nay họ vẫn chưa chấp hành. Còn trường hợp ông Mẫn thì 2 tháng nay, địa phương đang xem xét và sẽ cho kiểm tra. Trong khi đó, theo đại diện BQL Khu Kinh tế tỉnh Quảng Bình, đơn vị đã lập biên bản đối với hộ ông Hiếu và yêu cầu đình chỉ thi công nhưng hiện vẫn tồn tại là do sự “chây ì” và chưa xử lý triệt để của chính quyền địa phương.