Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ sở khai thác chế biến khoáng sản có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường sẽ bị đóng cửa.
Đó là một trong những nội dung chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên tại cuộc họp cho ý kiến dự thảo Báo cáo “Kết quả 6 năm thực hiện Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và đề xuất điều chỉnh, bổ sung” do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức sáng 25/7, tại Hà Nội.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Quý Kiên đánh giá cao nỗ lực của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam trong việc xây dựng dự thảo Báo cáo “Tổng kết 6 năm (2012-2017) thực hiện Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và đề xuất các nội dung điều chỉnh, sửa đổi”.
Thứ trưởng đề nghị Tổng cục tiếp thu ý kiến của thành viên và các đơn vị để hoàn thiện dự thảo theo đúng tinh thần Nghị quyết 02/NQ-TW của Trung ương.
Thứ trưởng yêu cầu phân tích, đánh giá đầy đủ hơn những tồn tại, hạn chế; tập trung tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong cơ chế chính sách tài chính về khoáng sản; thuế khoáng sản, đấu giá khoáng sản, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, hoạt động đầu tư khai thác khoáng sản của doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài… nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu khoáng sản; đẩy mạnh điều tra, đánh giá các khoáng chất công nghiệp mới, các khoáng sản thay thế vật liệu xây dựng truyền thống như cát, sỏi lòng sông để giảm thiểu tác động môi trường do cát, sỏi gây ra.
Đặc biệt, giải quyết mâu thuẫn giữa khai thác thăm dò khoáng sản và bảo vệ môi trường, mâu thuẫn giữa doanh nghiệp, chính quyền địa phương và người dân ở nơi khai thác thăm dò khoáng sản.
Kiên quyết đóng cửa các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường…
Một số kết quả đạt được
Vụ trưởng Vụ Địa chất, đại diện Ban soạn thảo Trần Văn Miến cho biết: Qua 6 năm thực hiện Chiến lược đã đạt được một số kết quả quan trọng trong công tác điều tra cơ bản địa chất và khoáng sản; dự trữ khoáng sản; công tác thăm dò khoáng sản; quản lý hoạt động khoáng sản.
Cụ thể, đối với công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đã hoàn thành việc lập bản đồ địa chất khoáng sản tỉ lệ 1:50.000 phần đất liền; đến năm 2020 sẽ hoàn thành điều tra địa chất, khoáng sản biển.
Về dự trữ khoáng sản, đến nay đã có 48 khu vực được đưa vào dự trữ khoáng sản quốc gia với tổng diện tích 11.363 km2.
Việc quản lý hoạt động khoáng sản được thực hiện tốt, nhất là công tác thanh kiểm tra các hoạt động khoáng sản được tiến hành thường xuyên ở trung ương và địa phương với nhiều hình thức đa dạng, tạo điều kiện cho các hoạt động khoáng sản đi vào nền nếp, cơ bản kiểm soát được việc chấp hành các quy định về môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản; ngăn chặn nhiều hoạt động khoáng sản không phép, trái phép…
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản còn nhiều hạn chế: Công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản còn chậm tiến độ, không đạt mục tiêu Chiến lược đề ra; công tác đầu tư điều tra, thăm dò, khai thác khoáng sản ra nước ngoài hiệu quả thấp, gặp nhiều khó khăn; công tác bảo vệ môi trường trong khai thác chế biến khoáng sản và hoàn thổ sau khai thác còn nhiều yếu kém…
Đề xuất điều chỉnh, bổ sung Chiến lược
Theo Vụ trưởng Vụ Địa chất Trần Văn Miến, dự thảo đề xuất bổ sung Điểm a về điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản như sau: Tiến hành đánh giá khoáng sản các vùng biển ở Việt Nam với lý do đây là nội dung quan trọng và cần thiết mà các quốc gia có biển đều tiến hành để đánh giá các khoáng sản dưới biển và bảo vệ chủ quyền.
Dự thảo cũng đề xuất bổ sung thêm nội dung về đánh giá khoáng sản ở các vùng biển của Việt Nam, làm rõ tiềm năng tài nguyên và các loại khoáng sản có giá trị kinh tế cao trên đất liền đến độ sâu 1000 m; điều chỉnh phân loại khoáng sản theo Luật Quy hoạch mới.
Đồng thời, điều chỉnh thời gian chấm dứt các cơ sở chế biến khoáng sản manh mún, công nghệ lạc hậu, hiệu quả thấp, gây ô nhiễm môi trường; điều chỉnh tiêu chí xuất khẩu từ “chỉ xuất khẩu sản phẩm sau chế biến có giá trị cao đối với khoáng sản quy mô lớn” thành “xuất khẩu khoáng sản sau chế biến theo nguyên tắc đảm bảo nhu cầu sử dụng trong nước”.
Về định hướng phát triển, bổ sung định hướng đẩy mạnh điều tra, đánh giá các khoáng chất công nghiệp mới, các khoáng sản thay thế vật liệu xây dựng truyền thống như: cát, sỏi lòng sông để giảm thiểu tác động môi trường; hoạt động thăm dò khai thác, chế biến khoáng sản phải tuân thủ quy hoạch, đảm bảo hiệu quả, bảo vệ môi trường; bổ sung định hướng đối với thăm dò năng lượng địa nhiệt, trong đó khuyến khích thăm dò, khai thác sử dụng các nguồn địa nhiệt…
Các giải pháp được bổ sung gồm: Tăng cường vai trò trách nhiệm của địa phương, nhất là chính quyền cơ sở và người dân trong việc phát hiện, ngăn chặn các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; quy hoạch theo hướng mở đối với các loại khoáng sản (trừ khoáng sản phóng xạ và năng lượng) để thuận lợi cho việc thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản; tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động khoáng sản; quy định trách nhiệm công khai thông tin của các cơ quan quản lý…
Đối với giải pháp bảo vệ môi trường, hoàn thiện cơ chế khuyến khích, phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền, nhân dân nơi có khoáng sản để phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm về môi trường trong hoạt động khoáng sản; kiên quyết đóng cửa các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.