Tổng cục Môi trường cho biết, tổng diện tích rừng của khu vực phía Nam giảm cả về diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng và độ che phủ.
Tổng diện tích và độ che phủ rừng 32 tỉnh phía Nam năm 2016, diện tích rừng hiện có 5.702.054 ha; diện tích rừng tự nhiên 4.117.670 ha; diện tích rừng trồng 1.776.38 ha; diện tích che phủ 39,7%. Nhưng đến năm 2018, diện tích rừng hiện có 5.697.334 ha; diện tích rừng tự nhiên 4.102.568 ha; diện tích rừng trồng: 1.594.764 ha; diện tích che phủ: 33 %.
Chương trình bảo tồn nguồn gen đã bảo tồn và lưu giữ hơn 14.000 nguồn gen của trên 200 loài cây lương thực, thực phẩm, cây ăn quả, cây lâm nghiệp, cây nguyên liệu, cây dược liệu và một số loài cây trồng khác. Đồng thời, cũng bảo tồn và lưu giữ được 25 giống lợn (15 giống nội), 24 giống bò (7 giống nội), 40 giống gà (17 giống nội), 3 giống trâu (2 giống nội)… thu thập được hàng nghìn loài động thực vật, trong đó, có 26 loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, bảo tồn và lưu giữ được 70 giống vật nuôi và gia cầm có nguy cơ tuyệt chủng.
Đối với công tác bảo tồn chuyển chỗ, hiện đã có 28.028 nguồn gen cây trồng nông nghiệp đang được lưu giữ bảo quản.
Kết quả đã tuyển chọn được 30 nguồn gen lúa đặc sản, 5 nguồn gen rau, 3 nguồn gen khoai môn, 2 nguồn gen hoa bản địa. Đến nay, 80% nguồn gen vật nuôi được bảo tồn đã được đánh giá. Tuy vậy, theo nghiên cứu của các nhà khoa học, nguồn gen cây trồng, vật nuôi bản địa đang bị mai một với 80% giống cây trồng đã mất, giống vật nuôi suy giảm gần 10% mỗi năm.
Sự hao hụt nguồn gen ở nước ta hiện nay một phần do sự thay thế các giống năng suất thấp (bản địa) bằng các giống/dòng cao sản từ các nước phát triển.