Trái phiếu bảo vệ động vật hoang dã đầu tiên trên thế giới mang tên “Impact bond” sẽ chính thức được chào bán vào năm 2020 với tổng trị giá phát hành 50 triệu USD trong thời hạn 5 năm.
Đây sẽ là công cụ tài chính đầu tiên để bảo tồn loài tê giác đen tại 5 địa điểm thuộc Nam Phi và Kenya – nơi có khoảng 700 cá thể tê giác đen hoặc khoảng 12% quần thể phân loài này trên thế giới.
Các nhà đầu tư sẽ được hoàn vốn và lợi tức nếu số lượng tê giác tăng lên. Mục tiêu là tăng 10% quần thể tê giác đen thế giới.
Sở dĩ tê giác đen được chọn vì chúng là loài động vật “có thể thống kê được, cực kỳ nguy cấp và có sức lôi cuốn”.
Việc chào bán sẽ do WCS và Conservation Capital điều hành. Conservation Capital vốn là công ty được thành lập tại Kenya khoảng 15 năm về trước và hiện đang tìm cách tạo ra các công cụ tài chính đầu tư, kinh doanh để bảo tồn.
Mặc dù ưu tiên số một cho bảo vệ tê giác, trái phiếu tác động cũng được sử dụng để tài trợ cho nhiều hoạt động khác nhau, từ giáo dục trẻ gái ở nông thôn Ấn Độ đến các dự án hàng hải và nghề cá bền vững ở Seychelles.
Trái phiếu sẽ mang đến cho các nhà đầu tư cơ hội “quay vòng” vốn và người mua có thể là những cá nhân thượng thặng, quan tâm đến bảo tồn, cũng như các quỹ đầu tư, môi trường, xã hội và quản trị (ESG).
Việc bán trái phiếu bảo vệ tê giác nhằm mục đích tăng quần thể tê giác đen đang bị đe dọa, được những người ủng hộ xem là một thử nghiệm để tạo ra một thị trường nợ bảo tồn có thể được sử dụng cho mọi thứ: từ bảo vệ các loài đang bị tuyệt chủng cho tới bảo tồn các khu vực hoang dã.
Hiện có khoảng 5.500 cá thể tê giác đen trong tự nhiên ở châu Phi, giảm từ con số 65.000 cá thể vào năm 1970. Trong đó, có khoảng 20.000 cá thể tê giác trắng to lớn hơn chủ yếu sống ở Nam Phi. Tê giác đen nặng tới 1,4 tấn còn tê giác trắng 2,5 tấn.
Tê giác ở châu Phi đang bị nạn săn trộm đe dọa, chủ yếu phục vụ nhu cầu ở Việt Nam và Trung Quốc – nơi bột từ sừng tê giác được cho là có thể chữa ung thư và cương dương. Năm 2018, có tới 769 con tê giác trắng bị giết ở Nam Phi. Các địa điểm được trái phiếu chi trả sẽ được giữ bí mật để tránh thu hút những kẻ săn trộm.
“Chúng ta đã mất rất nhiều đa dạng sinh học nên rất cần xem xét các cách mới để định giá, tài trợ và thực hiện bảo tồn. Mô hình trái phiếu tác động cho tê giác cung cấp một cơ hội lớn để mở ra nguồn tài trợ bảo tồn và chia sẻ rủi ro khôi phục sự đa dạng tài chính”, Dominic Jermey, Tổng giám đốc Hiệp hội động vật học Luân Đôn, cho biết.
Các nhà tài trợ dự án bao gồm Quỹ Môi trường Toàn cầu và chính phủ Vương quốc Anh. Ngoài ra, dự án cũng được Credit Suisse và DLA Piper hỗ trợ.