Theo Cơ quan điều tra môi trường quốc tế (EIA), hiện cao hổ cốt sản xuất tại Thái Lan vẫn được bán cho khách du lịch từ Việt Nam và Trung Quốc. Hai doanh nghiệp liên quan đến hoạt động sản xuất và bán các sản phẩm có nguồn gốc từ hổ đã bị phát hiện.
Những phát hiện này được EIA chia sẻ với các cơ quan thực thi pháp luật Thái Lan vào tháng 9/2018 nhưng cho đến nay không có vụ bắt giữ hay hoạt động thực thi nào diễn ra.
Debbie Banks, Trưởng nhóm Chiến dịch Hổ của EIA cho biết: “Những hoạt động này đang trực tiếp kích cầu các sản phẩm từ hổ, và theo kinh nghiệm của EIA thì nhu cầu sẽ duy trì áp lực săn trộm đối với hổ hoang dã”.
“Trong vòng một giờ trong khi các điều tra viên của chúng tôi có mặt tại cửa hàng, năm chiếc xe khách chở hàng trăm du khách Việt Nam và Trung Quốc đến và tất cả đều được đưa đi tham quan – rồi mua cao hổ cốt”.
“Thật đáng ngạc nhiên với lời quảng cáo “loại cao này là sản phẩm truyền thống của Thái Lan để điều trị các vấn đề về đau nhức xương và thấp khớp” và rằng “đến Thái Lan mà không mua cao hổ cốt cũng như chưa đến Thái Lan””.
EIA mong muốn Chính phủ và các cơ quan thực thi pháp luật Thái Lan khẩn trương điều tra và có hành động pháp lý phù hợp.
Thái Lan cũng nên sửa đổi luật phù hợp với các khuyến nghị của CITES và cấm buôn bán các sản phẩm được dán nhãn hoặc cộng nhận là có thành phần liên quan đến hổ.
Theo EIA, chính phủ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và các cơ quan hữu quan nên xóa mọi quảng cáo hoặc bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội quảng bá sản phẩm hổ, kiểm tra khách du lịch để ngăn chặn các mặt hàng liên quan đến hổ, đồng thời cảnh báo công khai các công ty và khách du lịch rằng mua sản phẩm hổ là bất hợp pháp.
Nhật Anh (Theo EIA)