Đó là ý kiến của các nhà hoạt động môi trường, cho rằng việc xây dựng đập thủy điện Xayaburi tại Lào đã gây ra cuộc khủng hoảng nước nghiêm trọng ở vùng hạ lưu.
Quan điểm này vừa được đưa ra sau khi nhà điều hành dự án Xayaburi là tập đoàn năng lượng Thái Lan CK Power PCL lên tiếng phủ nhận cáo buộc đang tích nước làm giảm mực nước ở phía hạ lưu một cách bất thường.
Nhà hoạt động Montree Chantawong thuộc Nhóm hoạt động dân sự Mekong Butterfly cho rằng, con đập thủy điện 1.260 megawatt chính là nguyên nhân gây ra sự biến động bất thường của mực nước Mekong trong mùa mưa lũ năm nay.
Các chuyên gia của mạng lưới Mekong Butterfly cũng công bố những bằng chứng cho thấy, tình trạng khô hạn trên diện rộng tại nhiều quốc gia hạ nguồn đang hủy diệt hàng loạt hệ thủy sinh.
Theo ông Montree, do lượng nước xả từ các đập thủy điện ở đầu nguồn Trung Quốc năm nay cũng xả nước ít hơn mọi năm cộng thêm đập thủy điện Xayaburi tích nước vận hành thử khiến cho tình hình càng xấu đi.
“Kể từ khi đập Cảnh Hồng thuộc Vân Nam (Trung Quốc) giảm lượng xả từ ngày 5 đến ngày 15/7, mực nước ở Luang Prabang (Lào), phía trên đập Xayaburi đã tăng lên 0,86 m, trong khi mực nước ở Chiang Saen (Thái Lan) bị giảm 0,43 m, còn mực nước ở Chiang Khan (Thái Lan), phía hạ lưu đã giảm tới 1,77 m”, ông Montree dẫn số liệu thủy văn.
Những thay đổi kỳ lạ này ở ba trạm đo cùng với sự lên xuống thất thường ở phía thượng và hạ lưu đập Xayaburi chính là dấu hiệu rõ ràng cho thấy, con đập không được vận hành theo đúng quy định dựa trên cơ sở dòng chảy như đã cam kết.
Theo The Nation, đập Xayaburi được cho là có một hồ chứa có dung tích 514 triệu m3 nước và việc xả hay không là tùy thuộc vào quyền của đơn vị điều hành quyết định.
Trong khi đó, Phó giám đốc điều hành đậpXayaburi An Anararp cho biết, họ cũng là nạn nhân của đợt hạn hán nghiêm trọng này. Nguyên nhân là lượng nước giảm từ các con đập của Trung Quốc gây ra.
Tuy nhiên, tập đoàn cha CK Power PCL lại liên tục từ chối chia sẻ thông tin dòng chảy và lấp lửng thông tin này được phân loại là dựa theo hợp đồng đối tác với chính phủ Lào.Ông An tiết lộ, đập Xayaburi chỉ nhận được lượng nước có tốc độ dòng chảy chỉ khoảng 1.700 m3/s, nên chỉ có thể vận hành ba tuabin và tạo ra công suất 500MW.
Số liệu của mạng lưới Mekong Freedom Network, Trung Quốc có tới 8 đập thủy điện chặn ngang sông Mekong ở phía thượng nguồn để giữ lại tổng cộng khoảng 40 tỷ m3 nước chính là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hảong nước nghiêm trọng hiện nay.
Ngoài ra, Trung Quốc và Lào còn lên kế hoạch phát triển lần lượt 28 và 11 dự án khác trên dòng Mekong trong tương lai không xa.