Cộng đồng là chủ thể văn hóa có vai trò quan trọng nhất trong việc quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, do đó, hầu hết các mô hình thực hành hoặc các hoạt động can thiệp về bảo tồn đều không thể thiếu vắng sự tham gia của nhóm chủ thể này, đặc biệt là ở khu vực Tây Nguyên – nơi lưu giữ nhiều giá trị đa dạng sinh học cao và là nơi hội tụ nhiều cộng đồng dân tộc có truyền thống văn hoá lâu đời và nguồn sinh kế phụ thuộc vào rừng.
Trước những thách thức từ các hoạt động phát triển và xâm lấn đất rừng tại Tây Nguyên trong thời gian qua, nhiều mô hình thực hành khác nhau về quản lý tài nguyên thiên nhiên đã được thí điểm và áp dụng. Trong đó, mặc dù còn nhiều thách thức và hạn chế, một số mô hình bảo vệ tài nguyên thiên nhiên có sự tham gia của cộng đồng bước đầu đã chứng minh được hiệu quả, góp phần vào công tác giữ gìn các hệ sinh thái rừng, nguồn nước và đa dạng sinh học.
Từ năm 2017 đến nay, Dự án Quản trị nguồn tài nguyên nước – được thực hiện tại Gia Lai và Đắk Lắk – đã hướng tới việc xây dựng cơ chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng với sự tham gia của cộng đồng ở khu vực hành lang nối giữa Vườn quốc gia Kon Ka Kinh và Khu BTTN Kon Chư Răng ở xã Đăk Rong, đồng thời tăng cường năng lực và sự tham gia cho các chi hội nghề cá ở các vùng mặt nước trong lưu vực sông Serepok.
Nhằm chia sẻ bài học từ các mô hình thúc đẩy cộng đồng tham gia quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên tại hai tỉnh nêu trên, Trung tâm Con người và thiên nhiên (PanNature), phối hợp Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Gia Lai tổ chức Hội thảo “Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên ở Tây Nguyên: Kinh nghiệm thực tiễn, thách thức và triển vọng cho tương lai” với sự tham dự của đông đủ đại diện các ban, ngành và cộng đồng.
Ngoài việc chia sẻ kết quả và ghi nhận đánh giá từ các bên tham gia Dự án, Hội thảo cũng tạo diễn đàn cho cộng đồng, các tổ chức xã hội và các cơ quan quản lý chia sẻ những ý tưởng và kiến nghị về thực hành và chính sách cho các tỉnh Tây Nguyên nhằm quản trị tốt tài nguyên thiên nhiên ở khu vực này.
Một số hình ảnh tại Hội thảo: