Làng Trung Văn thuộc phường Trung Văn (Nam Từ Liêm – Hà Nội) có nghề tạo nhựa và tái chế đồng nát. Chính vì vậy, suốt bao năm qua môi trường bị “bức tử”, nhưng địa phương gần như không có phương án xử lý.
Điều đáng nói, các cơ sở này không hoạt động riêng biệt ở cụm công nghiệp mà nằm xen kẽ trong khu dân cư khiến đời sống sinh hoạt và sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Không chỉ có vậy, hiểm họa từ nguy cơ cháy nổ đã và đang là mối lo từ nghề tạo nhựa.
Giữa phố mà khổ hơn quê
Ông Đặng Quốc Hùng, Phó chủ tịch UBND phường Trung Văn, cho biết: Trung Văn không phải là làng nghề mà chỉ là “làng có nghề”. Nghề thu mua phế liệu, tái chế nhựa có từ nhiều năm nay, nhờ vậy mà giải quyết được lượng lớn lao động và nâng cao đời sống. “Cách đây 5 năm thì chỉ tính riêng hai tổ là 17 và 18 đã có khoảng 200 hộ gia đình làm nghề. Ngoài thu mua phế phẩm, tạo hạt nhựa, sản xuất các sản phẩm từ nhựa thì còn có nghề sản xuất dây thừng”, ông Hùng cho biết.
Tuy nhiên, phía sau lợi ích về kinh tế, người dân nơi đây đang phải đối mặt với ô nhiễm môi trường không khí nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống. Ở đây, người ta tận dụng tất cả các phần diện tích của gia đình, của thôn xóm đến cả vỉa hè, lòng đường để chứa phế thải.
Các lò đốt nhựa hoạt động suốt ngày đêm nhả khói”đầu độc bầu không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. Trong quá trình sản xuất nhựa còn sinh ra những hạt bụi màu siêu nhẹ. Thứ bột siêu nhẹ này khi bám vào các đồ vật sẽ không thể cọ rửa được. Ngoài khói bụi, tiếng ồn thì mùi khét từ nghề này cũng khiến người dân phải khổ sở suốt đêm ngày.
Trở thành một khu sản xuất khổng lồ giữa khu dân cư, nhưng trong suốt quá trình tái chế phế liệu, chất thải lại không được xử lý mà xả trực tiếp ra môi trường. Chính vì vậy, những con mương đi qua phường Trung Văn lúc nào cũng đen ngòm, hôi thối. Thêm vào đó là nạn rác thải, đặc biệt là phế phẩm công nghiệp khiến cho ruồi muỗi và chuột làm tổ khắp con mương.
Người làng Trung Văn than thở rằng, trước đây khi xã chưa lên phường, đường chưa thành phố thì còn đỡ. Bây giờ xã đã lên phường, đường thôn thành đường phố, đất chật người đông lại phải sống chung với mùi hôi thối từ nước thải, mùi khét từ nghề tạo nhựa… đem lại cho họ sự bức bối, chẳng khác gì “sống mòn” giữa Thủ đô.
Vô tư xả thải ra môi trường
“Nhiều hộ nhận thấy tác hại của nghề nên đã bỏ. Bây giờ, cả làng còn khoảng 35 hộ còn làm nghề tái chế nhựa. Tuy nhiên, không hộ nào có hệ thống xử lý nước thải nên mối lo về môi trường, bệnh tật… vẫn còn là nỗi ám ảnh”, ông Đặng Quốc Hùng, Phó chủ tịch UBND phường Trung Văn chia sẻ.
Do không có khu sản xuất tập trung, đất sản xuất của các hộ làm nghề khá chật chội nên những hộ này đã dựng lều, lán trên đất nông nghiệp để hoạt động, đồng thời cũng không tuân thủ quy định về phòng chống cháy nổ, bảo đảm vệ sinh môi trường, tiếng ồn, khói, bụi… gây nhếch nhác, đe dọa an toàn và sức khỏe của người dân.
Thực tế đại phố Đại Linh, phóng viên Báo KH&ĐS đếm được hơn 20 cơ sở sản xuất, tái chế nhựa với những nhà tạm nhếch nhác. Những đống phế liệu che bạt xếp đầy hai bên lối đi, cả trong những ngõ ngách chật chội cũng toàn phế phẩm. Một phần lượng rác như nilon, dây nhựa… bay tứ tung cả trên đường và dưới mương. Nhiều xe tải trở phế liệu đi lại thường xuyên không được che chắn khiến rác thải rơi rớt ra đường, trời nắng, rác theo gió cuốn bụi mù, trời mưa, nước thải tràn ra đường, mùi tanh hôi bốc lên nồng nặc.
Trong khi đó, theo đại diện chính quyền phường Trung Văn, vì chưa có đánh giá một cách khoa học nào từ cơ quan chức năng về mật độ ô nhiễm khói, bụi, nước thải, nên UBND phường Trung Văn không có căn cứ, cơ sở để đánh giá sai phạm và xử phạt các hộ sản xuất.
Bài học nhãn tiền
Ngoài việc địa bàn bị ô nhiễm nghiêm trọng thì người dân còn bất an trước nỗi lo hỏa hoạn. Cuối tháng 12/2016, một xưởng tái chế đồ nhựa, túi nilon tại đã bị cháy do công nhân đốt rác trong xưởng. Ngày 12/4/2019 vừa qua, bốn xưởng sản xuất thùng rác nhựa tại phường Trung Văn bốc hỏa do chập điện khiến 8 người thiệt mạng.
Dù những hậu quả rất nặng nề đã xảy ra bởi những bất cẩn hoặc những rủi ro từ nghề tái chế nhựa, nhưng cho đến nay chính quyền địa phương cũng phải kêu khó trong công tác xử lý các sai phạm. Theo như ông Đặng Quốc Hùng, Phó chủ tịch UBND phường Trung Văn, thì không thể xử lý được do nhiều nguyên nhân, trong đó liên quan đến hạn chế về thẩm quyền của địa phương.
Cũng theo ông Hùng, cách duy nhất hiện nay để đối phó với nạn ô nhiễm môi trường là tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các hộ làm nghề tái chế nhựa. Đồng thời, yêu cầu các hộ nâng cao cảnh giác trước các vấn đề liên quan đến hỏa hoạn bằng cách lắp đặt hệ thống báo cháy và dập lửa khi “bà hỏa” ghé thăm.
“Hàng năm, làng Trung Văn cũng đón các đơn vị chuyên môn về khảo sát, đo đạc, quan trắcmôi trường. Vấn đề ở đây là kết quả lại không rõ ràng. Trong khi đó, chính quyền rất mong muốn một đơn vị có chuyên môn, thẩm quyền đưa ra một kết quả chính xác để từ đó có thể khuyến cáo người dân cũng như các hộ làm nghề tạo nhựa vấn đề về môi trường đối với sức khỏe”, ông Đặng Quốc Hùng, Phó chủ tịch UBND phường Trung Văn.