Mỗi năm, hàng triệu động vật bị giết hại để phục vụ nhu cầu thực phẩm, làm đẹp của con người. Một sự thật bẽ bàng, xót xa đằng sau những thú vui quái gở đó là tiếng “kêu cứu” của nhiều loài động vật hoang dã.
Lợi nhuận khủng
Các bộ phận của ĐVHD như sừng tê giác được con người tin là có thể chữa được nhiều bệnh hiểm nghèo, hay cao nấu từ xương của các loài hổ và báo tốt cho sức khỏe. Các tiêu bản hổ, báo nhồi bông, các bộ phận da, móng, hoặc nanh hổ, báo, ngà voi… cũng được coi là đồ trang trí và trang sức có giá trị cao. Do đó, buôn lậu ĐVHD và các bộ phận của chúng được coi là thị trường chợ đen lớn thứ 4 trên thế giới trị giá từ 17 – 26 tỷ USD, sau thị trường buôn bán ma túy, vũ khí và buôn người.
Số lượng tê giác trắng tại châu Phi hiện cũng chỉ còn 25.000 con và riêng ở Nam Phi, có khoảng 1.000 con bị giết hại mỗi năm để lấy sừng.
Vì lợi ích kinh tế khổng lồ trước mắt, những kẻ săn bắt trộm và buôn bán trái phép ĐVHD không từ thủ đoạn để thực hiện nhiều phi vụ xuyên biên giới. Theo Tổ chức Bảo vệ động vật FOUR PAWS UK, trong giai đoạn 1999 – 2016, lực lượng chức năng tại châu Âu đã thu giữ hơn 8.000 bộ phận khác nhau của loài hổ bị buôn lậu. Tuy vậy, giới chuyên gia nhận định con số này chỉ bằng 1/10 số lượng giao dịch trái phép trên thực tế.
Các dữ liệu do Quỹ Quốc tế về bảo vệ động vật (IFAW) thu thập từ bốn nước Nga, Pháp, Đức và Anh, cho thấy, tổng cộng 11.772 sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã hoặc cả các cá thể động vật hoang dã được rao bán công khai trong 5.381 mục quảng cáo trên 106 trang web và các diễn đàn xã hội, với tổng giá trị ước tính lên tới 4 triệu USD.
Thị trường buôn bán động vật hoang dã “phong phú” và “sôi động” như vậy càng thúc đẩy những kẻ săn bắt trộm bất chấp hậu quả tận diệt nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá này. Số lượng hổ tại châu Á đã giảm mạnh 96% trong 100 năm qua và tại khu vực này hiện nay chỉ còn khoảng 4.000 con hổ trong tự nhiên. Sư tử cũng đã biến mất trên khoảng 90% những vùng lãnh thổ chúng từng xuất hiện, đặc biệt số lượng sư tử châu Phi đã giảm 40% chỉ trong vòng 2 thập niên qua.
Nếu tình trạng đáng báo động trên tiếp tục diễn ra, trong tương lai, con người sẽ không bao giờ còn có thể nhìn thấy hình bóng của những loài động vật săn mồi quyền uy này.
Nhận diện bất ổn
Buôn bán động vật hoang dã là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự suy giảm đa dạng sinh học, đặc biệt là đa dạng loài, dẫn đến mất cân bằng sinh thái trong chuỗi và lưới thức ăn. Sự hiện diện của các loài trong tự nhiên tuân theo quy luật cân bằng động giúp cho các loài duy trì một số lượng cá thể hợp lý trong quần thể và trong toàn bộ hệ sinh thái.
Bên cạnh đó, các loài được giới buôn bán ĐVHD ưa chuộng thường là các loài mang nguồn gen “tốt” – các nguồn gen có giá trị làm thực phẩm, dược phẩm, giải trí… Khi bị khai thác quá mức, khả năng tái tạo của các nguồn gen này bị mất đi, gây mất cân bằng nguồn gen tự nhiên dẫn tới các tính trạng lặn thường là tính trạng xấu, suy giảm sức sản xuất của các loài…
Đa dạng sinh học không chỉ có các giá trị về nghiên cứu khoa học, phát triển kinh tế – xã hội mà còn có nhiều giá trị đạo đức và tâm lý. Đối với nhiều quốc gia, dân tộc, đặc biệt là các cộng đồng sống gắn bó với tự nhiên, các giá trị đa dạng sinh học thể hiện ở các sản phẩm văn hóa, tâm linh mà cộng đồng đó đã gắn bó qua nhiều thế hệ.
Đa dạng sinh học trong những trường hợp đó còn chứa đựng cả các giá trị văn hóa không thể thay thế được. Đa dạng sinh học chỉ có thể đem lại cho con người những lợi ích này khi được khai thác và sử dụng một cách hợp lý. Buôn bán bất hợp pháp ĐVHD mà một trong những phương thức phá hủy cân bằng trong các hệ sinh thái và làm suy giảm đa dạng sinh học nghiêm trọng. Vì vậy, hoạt động buôn bán bất hợp pháp ĐVHD có ảnh hưởng rất lớn đến an ninh của loài người cả về mặt tinh thần lẫn kinh tế – xã hội.
Một hệ sinh thái bị phá hủy sẽ không thể đảm bảo an toàn lương thực cũng như không thể cung cấp nguồn nước sạch, môi trường trong lành và các giá trị tinh thần khác cho con người.
Hơn 400 loài động vật trong Sách đỏ nằm trong nguy cơ bị đe dọa diệt chủng; 7 loài động vật của Việt Nam nằm trong danh sách 100 loài bị đe dọa nhất thế giới. Nước ta lại được xếp vào nhóm 15 quốc gia hàng đầu thế giới về suy giảm số loài thú, nhóm 20 nước hàng đầu về suy giảm số loài chim, nhóm 30 nước hàng đầu về suy giảm số loài thực vật và lưỡng cư.