Rừng sẽ trở thành “rừng lặng”, nếu các loài động vật bị tách khỏi tổ ấm, trở thành những món lợi quái gở của con người.
Đói nghèo đã đẩy con người đến một kế hoạch khai thác ngắn hạn hơn là dài hạn để thỏa mãn những nhu cầu khẩn thiết hiện tại mà không chú ý đến khả năng bảo vệ lâu dài cho nhu cầu trong tương lai.
Hệ lụy làm suy thoái tài nguyên và môi trường, suy thoái ĐDSH làm nghèo đói tăng lên, nghèo đói lại gây áp lực lên ĐDSH. Và cứ thế tiếp tục, luẩn quẩn theo “đường xoắn ốc đi xuống” của sự suy thoái sinh thái, mất ĐDSH dẫn đến nghèo đói, nghèo đói lại sống trước đe dọa an toàn tự nhiên, kinh tế và sức khỏe của con người.
Trong thế kỷ qua, diện tích đất canh tác trên toàn thế giới tăng 74%, diện tích đất đồng cỏ tăng 113%, kéo theo rừng và các thảm thực vật cây gỗ khác giảm 21%.
Mặc dù, ĐDSH là nguồn gốc và tính bền vững nông nghiệp. Đa dạng các loài vi khuẩn cố định đạm trong nông nghiệp, cung cấp cho cây trồng, có giá trị kinh tế ước tính khoảng 50 tỷ USD hàng năm.
Ong, bướm, chim, dơi, các động vật có vú và các loài côn trùng khác đã thụ phấn cho hơn 70% giống cây trồng chủ yếu trên thế giới và 90% thực vật có hoa. Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đang còn phụ thuộc rất nhiều đến các loài hoang dã.
Thế nhưng con người vẫn đang từng ngày “đối xử bất bình đẳng” với tự nhiên.
Suy giảm ĐDSH làm giảm phúc lợi của một bộ phận dân số thế giới, trong khi một bộ phận dân số khác gặp phải những vấn đề trầm trọng hơn vì đói nghèo.
Nếu tình trạng này tiếp tục, nó có thể gây ảnh hưởng đến sự hoạt động của các hệ sinh thái điều hòa khí hậu trong dài hạn, dẫn đến những biến đổi không thể lường trước.
Nó có thể dẫn đến sự đảo ngược trong hệ thống Trái đất và những thay đổi trong các dịch vụ hệ sinh thái là nguồn cung các nguyên liệu chủ yếu phục vụ cho phát triển kinh tế.
Động vật hoang dã không mang lại sức mạnh hay là phương thuốc “đặc biệt hiệu quả” như ảo tưởng của con người. Động vật có quyền được sống bình yên dưới những tán rừng xanh. Đừng biến những cánh rừng tuyệt đẹp thành rừng hoang, rừng lặng…