Cưỡi voi có thể mang lại niềm vui thú cho những du khách nhưng ở một góc độ khác, điều này thật thiếu nhân văn.
Tháng 7 này, chúng ta có tin vui là hai con voi già yếu được thả vào thiên nhiên để chăm sóc, cải thiện sức khỏe. Đây là thỏa thuận giữa Tổ chức Động vật châu Á với Công ty TNHH Ánh Dương (Buôn Đôn, Đắk Lắk).
Theo thỏa thuận, Tổ chức Động vật châu Á sẽ trả cho chủ voi một khoản kinh phí, đổi lại hai con voi cái P’Lú (60 tuổi) và Bun Kon (37 tuổi) của Công ty Ánh Dương sẽ được đưa vào Vườn quốc gia Yok Đôn tự do sinh sống, không phải chở du khách nữa. Điều này giúp voi cải thiện thể trạng, sống lâu hơn, tăng khả năng sinh sản, tránh nguy cơ tuyệt chủng voi nhà tại Đắk Lắk.
Cưỡi voi: Du lịch kém sang
Trước đó một tháng, Liên minh châu Á vì động vật (AfA) đã có thư gửi đến Chi cục Kiểm lâm Khánh Hòa đề nghị điều tra việc đảo du lịch Hoa Lan đang sử dụng voi để biểu diễn xiếc. Đại diện quản lý đảo này cũng thừa nhận điều này.
Hiện tại, không ít nơi trong khai thác du lịch vẫn còn sử dụng động vật để chuyên chở, biểu diễn, phục vụ khách, điều này mang lại sự đau khổ, các tổn thương tinh thần và thể xác cho chúng.
Tôi đã từng chứng kiến rất nhiều du khách sắp hàng chờ đến lượt để được di chuyển trên một chiếc xe Jeep trên một cung đường dốc rất đẹp, chạy thẳng xuống một thung lũng yên bình trong một khu du lịch để cưỡi voi. Họ rất vui vẻ trong suốt chuyến đi.
Hình ảnh những chú voi buồn bã, mang trên mình chiếc bành to lớn lầm lũi bước đi trên các con đường trống trải, thỉnh thoảng lại bị quản tượng móc hoặc gõ bằng gậy khi có biểu hiện muốn dừng lại hoặc chậm bước. Không biết du khách trông chờ cảm giác gì khi trả một số tiền lớn để mua nỗi nhọc nhằn của các chú voi?
Là một bác sĩ thú y, tôi biết chắc chắn không một chú voi nào tự nguyện mang trên mình chiếc bành suốt ngày, đi lướt qua khóm cây, bụi cỏ xanh mướt, chở nhiều lượt người không quen. Đòn roi đã khiến các chú bỏ rơi tất cả tập tính, thói quen tự nhiên, cam chịu phục vụ để đổi lấy những suất ăn nhàm chán, đơn điệu. Cuộc sống cô độc và nhàm chán đó là tất cả những gì các chú voi trong những khu du lịch có được đến cuối đời.
Khổ sai chung thân
Số phận của những chú voi phục vụ du lịch nếu may mắn sẽ được chuyển về các vườn thú hay các trung tâm cứu hộ với chế độ chăm sóc thú y và dinh dưỡng tốt hơn. Tuy nhiên, các chú vẫn không thể nào có được sự tự do hoàn toàn, có được cánh rừng xanh mát và lãnh địa của riêng mình.
Mặc dù thân thể to lớn nhưng các chú voi vẫn là những sinh vật dễ tổn thương. Làn da nhạy cảm sẽ làm gia tăng cảm nhận về sự đau đớn khi phải chịu đòn roi và móc sắt, bộ não thông minh khiến chúng chấp nhận dễ dàng các yêu sách của con người nhằm giảm thiểu các tổn thương về thể xác, bốn chân to lớn, kềnh càng nhưng phải chịu một trọng lượng cực lớn nên rất dễ bị tổn thương xương và các khớp. Hình ảnh chú voi Kabu Long với chân trái trước bị biến dạng hoàn toàn là minh chứng cho trường hợp này. Voi cũng thường bị các tổn thương ở lòng bàn chân, đặc biệt khi phải di chuyển trên những tuyến đường không phù hợp, lòng bàn chân chúng sẽ nứt nẻ, gây khó khăn trong việc di chuyển.
Cưỡi voi có thể mang lại niềm vui thú cho những du khách nhưng ở một góc độ khác, điều này thật thiếu nhân văn.
Đừng để hình ảnh những chú voi chỉ còn là những câu chuyện kể nếu chúng ta không kịp thời đưa ra các biện pháp bảo tồn cho chúng.
Cưỡi voi du lịch – hãy dừng ngay khi còn kịp!
Nghiêm cấm khai thác voi cho mục đích thương mại
Công ước CITES và Nghị định 06/2019 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp đều nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại với các loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm. Cũng trong tháng 7 này, mạng xã hội lan truyền hình ảnh thương xót cho một chú voi ở Thái Lan bị khách du lịch ngồi trên lưng; chú voi đang gục đầu, tựa hẳn người vào vách đất, mệt mỏi vì phải làm việc quá nhiều. Còn ở Việt Nam, năm 2015 cũng từng có một chú voi nhà tại Đắk Lắk đã gục chết vì kiệt sức sau thời gian bị một công ty du lịch quản lý và sử dụng vào việc chuyên chở khách tham quan. |
(*) Tác giả là bác sĩ thú y
Trần Khắc Mai