Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh quan tâm, đầu tư hơn nữa đối với công tác bảo vệ động vật hoang dã như: đảm bảo kinh phí, bổ nhiệm giám định viên tư pháp.
Ngày 19/7, tại thành phố Đà Nẵng, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phối hợp với tổ chức quốc tế Wildlife Conservation Society (Hiệp hội bảo tồn Động vật hoang dã – WCS) tổ chức Hội thảo “Nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm về bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm ở Việt Nam”. Bà Lê Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, chủ trì Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu rõ: Việt Nam là quốc gia có tính đa dạng sinh học cao trên thế giới với nhiều động, thực vật phong phú, trong đó có nhiều loài nguy cấp, có nguy cơ tuyệt chủng cao và nằm trong Sách đỏ thế giới. Trong những năm gần đây tài nguyên đa dạng sinh học của Việt Nam đang trên đà suy giảm, tình trạng săn bắt, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm diễn biến phức tạp.
Để tăng cường tính răn đe và nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, chống vi phạm pháp luật, Bộ Luật hình sự và Bộ Luật tố tụng hình sự đã có nhiều quy định cụ thể về tội phạm, hình phạt, các quy trình, thủ tục tố tụng để xử lý loại tội phạm này.
Theo bà Lê Thị Nga, hệ thống pháp luật nói chung về bảo vệ cũng như xử lý, xử phạt các vi phạm pháp luật về động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm ở nước ta chưa thật sự đồng bộ và đầy đủ, nhiều văn bản còn mâu thuẫn. Ngoài ra, trong quá trình áp dụng các văn bản trên còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Hội thảo là diễn đàn để các thành viên Ủy ban Tư pháp, đại diện một số Ủy ban của Quốc hội, một số đại biểu Quốc hội, cơ quan Tư pháp ở Trung ương và địa phương cũng như các chuyên gia trao đổi, thảo luận về những vấn đề quan trọng liên quan đến hoàn thiện pháp luật về đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật về động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm.
Tại hội thảo nhiều kiến nghị quan trọng nhằm hoàn thiện các quy định trong Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự và quy định khác liên quan đến phòng, chống tội phạm về động vật hoang dã được đưa ra.
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh quan tâm, đầu tư hơn nữa đối với công tác bảo vệ động vật hoang dã như: đảm bảo kinh phí, bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực này; xây dựng chính sách đặc thù để nâng cao đời sống, phát triển kinh tế của người dân sống gần rừng và có sinh kế phụ thuộc vào rừng để giảm nạn săn bắn trái pháp luật động vật hoang dã.
Ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho biết: Chính phủ cần nghiên cứu về việc thành lập cơ quan có thẩm quyền giám định về động vật hoang dã theo khu vực và ban hành danh sách giám định viên tư pháp theo tỉnh để đảm bảo xử lý kịp thời các vụ án liên quan đến động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.
Chính phủ và cơ quan chức năng cần quan tâm, đầu tư kinh phí cho hoạt động giám định, chăm sóc động vật hoang dã cũng như bảo quản bộ phận cơ thể, sản phẩm của động vật hoang dã – tang vật các vụ việc vi phạm đang được cơ quan tố tụng xử lý. Các Ủy ban liên quan của Quốc hội cần đẩy mạnh việc giám sát thực thi pháp luật liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã để kịp thời phát hiện, xử lý khó khăn, vướng mắc mà cơ quan thực thi pháp luật địa phương gặp phải.
Cũng theo báo cáo của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng trị, Quảng Nam, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước tình hình tội phạm liên quan đến động vật hoang dã diễn ra phức tạp và có yếu tố buôn bán xuyên biên giới.
Các hành vi vi phạm chủ yếu là săn bắn, mua bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã và sản phẩm động vật hoang dã.
Các đối tượng mua, bán, vận chuyển động vật hoang dã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để qua mắt lực lượng Công an, Kiểm lâm.
Nhiều trường hợp đối tượng phạm tội là người dân vùng cao, người dân tộc thiểu số có trình độ văn hóa hạn chế và sinh kế eo hẹp khiến cơ quan tố tụng gặp khó khăn trong việc vừa đảm bảo sự nghiêm minh vừa thể hiện tính nhân đạo.của pháp luật.