Thời gian gần đây, tình trạng khai thác cát trái phép ban đêm tại bãi bồi Lợi Hà thuộc thôn 2, xã Thiệu Thịnh (huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) đang diễn ra rầm rộ. Người dân địa phương đã phát hiện và báo cáo nhiều lần lên chính quyền địa phương, nhưng vẫn chưa xử lý.
“Cát tặc” lộng hành xuyên đêm
Trong ngày 18/7, PV Báo Tài nguyên & Môi trường liên tiếp nhận được cuộc gọi của người dân xã Thiệu Thịnh (huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) phản ánh về tình trạng khai thác cát trái phép tại khu vực sông Mã.
Qua điện thoại, người dân nơi đây không kìm được sự bức xúc trước tình trạng “cát tặc” lộng hành suốt nhiều đêm qua, họ cho biết “nhiều tàu cỡ lớn đang đậu sẵn gần khu vực bãi bồi Lợi Hà, đợi đến đêm sẽ tiến hành hút cát, chúng tôi đã phản ánh lên các cơ quan chức năng, nhưng chưa được xử lý. Nên thông tin cho các anh sắp xếp đêm nay lên đây ghi nhận thực tế, qua đó phản ánh đúng thực trạng để chính quyền địa phương sớm xử lý dứt điểm”.
Đến 19h cùng ngày, chúng tôi có mặt tại thôn 2, xã Thiệu Thịnh, một ‘điểm nóng” về tình trạng khai thác cát trên sông Mã. Để thuận tiện cho việc “mật phục” ghi hình hoạt động của “cát tặc” vào ban đêm tại khu vực bãi bồi Lợi Hà, thôn 2, chúng tôi đã “núp bóng” thành người dân địa phương, việc này nhằm tránh sự chú ý và “rút dây động rừng”, bởi nhẽ theo người dân địa phương “trước khi bắt đầu hút cát, họ thường bố trí người canh gác, nếu thấy có động tĩnh hay hiện tượng lạ, việc hút cát sẽ dừng lại rồi sau đó đưa tàu di chuyển đến chỗ khác”.
Lúc này, chúng tôi đi bộ dọc mép sông Mã tại khu vực bãi bồi Lợi Hà, qua quan sát: Cách bờ sông chừng 25m, xuất hiện 2 tàu cỡ lớn (loại 50m³ và 30 m³), 1 xà lan loại 20 m³ đang “án binh bất động”, nằm đợi “giờ vàng” để ra quân; cách bờ chừng 5m, một chiếc lều nổi được bố trí, đây là nơi ẩn nấp của một số đối tượng có vai trò kiểm soát hoạt động hút cát và phát hiện người lạ đột nhập vào “điểm nóng”; trên khu vực bãi Lợi Hà, một chòi canh được chính quyền địa phương dựng lên để theo dõi nhằm phát hiện hoạt động của “cát tặc” trên sông Mã.
Khi đồng hồ điểm đúng 2h đêm (ngày 19/7), chúng tôi quay lại “điểm nóng”, dưới ánh trăng sáng, các tàu hút các hiện lên rõ mồn một, qua quan sát: Vẫn vị trí “án ngữ” ban đầu, 3 tàu đang sử dụng vòi rồng cắm sâu vào xuống nước “ra sức rút ruột” sông Mã, tiếng động cơ “gầm rú” văng vẳng như “xé toang” không gian yên tĩnh của đêm vắng; trên tàu hút, 2 người đàn ông sử dụng đèn pin để kiểm soát lượng cát được hút lên; phía trên cabin (của tàu loại 50 m³) được lắp đặt một đèn pha cao áp, cứ chừng 3 đến 5 phút đèn pha được bật một lần, người điều khiển rọi đèn xung quanh khu vực sông Mã và phía trên bờ, nhằm phát hiện sự kiểm tra cơ quan chức năng và sự xuất hiện của người lạ. Đến 5h sáng, khi “ăn no” cát, tàu hút sẽ di chuyển xuôi dòng sông Mã để “nhả hàng” ở một bãi tập kết cát thuộc xã Thiệu Dương, TP.Thanh Hóa.
Theo người dân địa phương: “Cát tặc” thường hoạt động từ 2h đêm đến 5h sáng. Bất chấp lợi nhuận, có hôm họ huy động từ 5-7 tàu để khai thác, tàu nhỏ cũng chở được 15 m³ cát, tàu lớn thì chở 50 m³ cát. Tùy loại cát, cát được bán với giá giao động từ 120.000-300.000đ/m³, trung bình mỗi đêm họ kiếm lời vài chục triệu đồng.
Chính quyền có buông lỏng quản lý?
Quay lại 2h đêm (ngày 19/7), thời điểm chúng tôi đang có mặt để ghi hình tình trạng “cát tặc” lộng hành gần khu vực bãi bồi Lợi Hà. Tìm đến khu vực chòi canh được chính quyền lắp đặt để theo dõi, phát hiện hoạt động khai thác cát trái phép. Thế nhưng, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước thực trạng không có mặt của cán bộ gác canh, trong khi hoạt động khai thác cát trái phép đang diễn ra rầm rộ.
Đến 3h50 phút sáng, “cát tặc” vẫn lộng hành như “chốn không người”, trước sự buông lỏng quản lý tài nguyên, khoáng sản của chính quyền xã, chúng tôi đã gọi điện trực tiếp cho ông Nguyễn Văn Phúc – Phó Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa để phản ánh tình trạng trên. Trả lời qua điện thoại, ông Phúc cho biết “tôi sẽ cử lực lượng Công an xuống kiểm tra”.
Hơn 1 giờ đồng hồ trôi qua, mòn mỏi đợi chờ động thái kiểm tra của cơ quan chức năng, cùng với hy vọng lực lượng Công an sẽ xuống hiện trường, bắt quả tang, qua đó “cất lưới” tóm gọn “cát tặc”, trả lại sự yên bình cho người dân. Tuy nhiên, không hiểu lý do vì sao mà lực lượng Công an không có mặt và đương nhiên “cát tặc” lại một lần nữa tẩu thoát cùng với hàng trăm m³ cát trái phép.
Trở về sau một đêm thức trắng, chúng tôi cùng người dân không khỏi băn khoăn “cát tặc” ung dung “đánh cắp” tài nguyên, vậy trách nhiệm của chính quyền địa phương ở đâu?