Sau một tháng phản ánh tình trạng trang trại nuôi vịt xả thải làm ô nhiễm nguồn nước, người dân ấp 7, xã An Hiệp, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre vẫn phải sống trong ô nhiễm vì chưa được xử lý dứt điểm.
Người dân phát hiện trang trại vịt lợi dụng ống nước thoát nước mưa để xả thải ra dòng kênh. Do đó, người dân thường xuyên tập trung tại đây để phản đối, thậm chí còn dùng cuốc đào ống xả thải của cơ sở này vì không chịu nổi tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài.
Bà Phạm Thị Hồng, xã An Hiệp, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre cho biết, tháng trước, trại vịt xả thải làm nguồn nước tại kênh Bàu Gồng (kênh nội đồng) bị chuyển sang màu đen bốc mùi hôi thối. Người dân phản ánh nhưng tình trạng vẫn chưa khắc phục được.
Hiện 7 con bò của gia đình phải đi xin nước từ nơi khác để uống. Nguồn nước sinh hoạt hàng ngày không đủ dùng phải chờ nước mưa. Các hộ dân khác phải mua nước để có nước uống và chăn nuôi.
Theo bà Hồng, nước kênh đen ngòm, bốc mùi hôi thối làm tôm cá chết hết. Các hộ dân sống bằng nghề chài lưới phải đành bỏ nghề vì không bắt được cá. Những khó khăn của đợt hạn, mặn 2016 đến nay nợ còn chưa trả hết thì lại đến tình trạng ô nhiễm này.
Anh Đỗ Quốc Hải cho hay, bên cạnh việc xả thải làm ô nhiễm môi trường nước, mùi hôi thối, lông vịt từ trang trại vịt làm người dân xung quanh không chịu được. Lông vịt bay khắp nơi. Ruồi sinh sôi nhiều hơn. “Nhà tôi trồng màu nên sử dụng nước mưa nhưng gần đây, lông vịt dính đầy mái nhà nên nguồn nước cũng bị ô nhiễm. Phải mưa thật lớn, để trôi hết đám lông vịt trên mái nhà tôi mới dám hứng nước”, anh Hải cho biết.
Theo ghi nhận của phóng viên trong ngày 18/7, màu nước ở hầu hết các tuyến kênh xung quanh trại vịt đã bớt đen so với cách đây 1 tháng. Tuy nhiên, khi khuấy dưới đáy kênh, màu nước chuyển đen ngòm và bốc mùi hôi rất khó chịu.
Theo người dân địa phương, sở dĩ có tình trạng này là do chất thải từ trại vịt đã lắng đọng xuống phía dưới, chỉ cần khuấy nhẹ bề mặt là nước chuyển đen và bốc mùi. Xung quanh trại vịt, nước thải màu đen rỉ ra từ các vách tường và 3 ống cống được nối trực tiếp từ bên trong trại vịt ra ngoài kênh. Dù được “ngụy trang” bằng một lớp đất dày nhưng người dân đã dùng cuốc, xẻng đào lên thì thấy nước màu đen chảy ra.
Ông Lê Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã An Hiệp cho biết, qua phản ánh người dân, chính quyền địa phương đã yêu cầu hộ chăn nuôi Trần Thị Cẩm Linh phải xử lý dứt điểm tình trạng xả thải gây ô nhiễm. Chủ trang trại nuôi vịt đã tiến hành làm thêm hầm biogas để xử lý.
Riêng 3 ống nước thải mà bà Linh cho là ống thải nước mưa, địa phương đã yêu cầu bà Linh phải tháo dỡ ngay vì nhận thấy đường thoát nước mưa này đấu nối chung với đường thu gom chất thải từ trại vịt. Chính quyền địa phương yêu cầu bà Linh làm đường thoát nước mưa khác không đi chung đường với ống thu gom chất thải.
Theo bà Trần Thị Cẩm Linh, chủ trại vịt, trang trại nuôi khoảng 18.000 con vịt, mỗi ngày sử dụng 20m3 nước và hơn 2,5 tấn thức ăn. Lượng nước thải, chất thải hàng ngày hơn 20m3, hầm xử lý trước đây chỉ có sức chứa khoảng 80m3, do đó bị quá tải có tràn ra bên ngoài chứ không phải xả ra ngoài kênh. Hiện trang trại cho xây dựng hầm mới để xử lý. Về chuyện người dân phản ánh trại vịt thải nước thải ra môi trường thông qua 3 ống nhựa phía sau trại, bà Linh khẳng định đây là ống thải nước mưa.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Quang Hạnh, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Tri cho biết, sau khi nhận được phản ánh của người dân về tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm, đơn vị đã tiến hành kiểm tra và xác nhận thông tin người dân phản ánh là đúng thực tế nên đã làm việc với bà Trần Thị Cẩm Linh – chủ trang trại vịt, yêu cầu khắc phục tình trạng nước thải tràn ra kênh nội đồng.
Mặt khác, phải tách nước mưa với nước thải để khi nguồn nước mưa xả ra đảm bảo không bị ô nhiễm. Nước thải đang nằm trong hầm biogas hiện hữu và có nguy cơ bị tràn, cần phải bơm ra hệ thống mới để xử lý.
Ông Hạnh cho hay, trại vịt của bà Trần Thị Cẩm Linh ban đầu chỉ xin xây dựng với quy mô khoảng hơn 900 mét vuông nhưng sau đó tự ý xây dựng với quy mô lớn hơn, lên đến khoảng 4.500m vuông.
Cơ quan chức năng huyện Ba Tri đã tiến hành nhắc nhở về hành vi này. Phòng Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu bà Linh làm lại hồ sơ đánh giá tác động môi trường theo thực tế quy mô đang chăn nuôi.