Hàng vạn hecta lúa vụ hè thu ở nhiều tỉnh miền Trung sắp chết khô, trong khi hơn 10.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Hơn 7 tháng qua, nhiều cánh đồng ở Phú Yên không có lấy 1 cơn mưa, mực nước ngầm cũng cạn kiệt.
Chưa bao giờ hạn đến vậy
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Phú Yên, tỉnh có trên 4.000 ha lúa hè thu đang khô hạn, tập trung nhiều ở huyện Tây Hòa, Đông Hòa, Tuy An. Trên cánh đồng Bồ Lời, xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa, những thửa ruộng đang nứt nẻ chằng chịt, lúa cháy khô, đến chuột cũng chả thèm đào hang. Kỹ sư Nguyễn Văn Thương, công tác trong chương trình “Cùng nông dân ra đồng” của Tập đoàn Lộc Trời, thở dài: “Chưa bao giờ hạn đến như vậy. Nắng gì mà nắng suốt 7 tháng. Năm nay đói là cái chắc”.
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, cho biết hiện mực nước ở các sông suối và các hồ chứa thủy lợi đang ở mức rất thấp. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, nắng nóng gay gắt vẫn tiếp tục diễn ra đến cuối tháng 8-2019 nên diện tích lúa hè thu mất trắng sẽ không dừng lại. “Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ Phú Yên 9,8 tỉ đồng chống hạn” – ông Tùng nói.
Trong khi đó, 140/165 hồ chứa thủy lợi ở Bình Định cạn nước. Do nắng nóng kéo dài, gần 11.500 ha lúa vụ hè thu tại TP Quy Nhơn và các huyện Phù Mỹ, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Tuy Phước… thiếu nước tưới; trong đó khoảng 600 ha lúa chết khô.
Trưa 18-7, dưới cái nắng gay gắt như đổ lửa, tại cánh đồng thôn Vĩnh Đức (xã Ân Tín, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định), hàng chục nông dân vẫn tất bật tìm nguồn nước để bơm cứu lúa. “Trời nắng nóng như thiêu đốt nên bơm nước đầy ruộng mới 3 ngày đã cạn sạch. Ruộng lúa khô nứt thế này nhưng cứu được lúc nào hay lúc đó chứ bỏ ruộng chết cháy thì lấy gì mà ăn” – anh Phan Văn Vĩnh than thở.
Ông Võ Duy Tín, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân, cho rằng nắng nóng kéo dài hơn 1 tháng qua đã khiến 860 ha cây trồng trong huyện bị khô hạn. Ngoài ra, địa phương còn có 160 ha ruộng phải bỏ hoang vì thiếu nước tưới. Vừa qua, huyện phải trích ngân sách gần 3 tỉ đồng để chống hạn.
Hồ trơ đáy, mặn xâm nhập
Tại tỉnh Quảng Nam, hơn 2 tháng qua hầu như không có mưa, trong khi nắng nóng kéo dài liên tục. Hiện hàng loạt hồ thủy lợi, thủy điện ở phía thượng nguồn đều xuống dưới mực nước chết, không thể xả nước điều tiết xuống hạ du. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến mặn xâm nhập sông Thu Bồn làm nhiều cánh đồng ở thị xã Điện Bàn nứt nẻ và một số khu vực ở TP Hội An thiếu nước sinh hoạt.
Tình hình tương tự cũng xảy ra ở Quảng Bình. Theo Sở NN-PTNT tỉnh này, hiện có gần 1.700 ha lúa hè thu không có nước tưới, dự báo tới cuối vụ sẽ có trên 3.600 ha lúa khô hạn. Ông Trần Hồng Quảng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình, cho biết tính đến đầu tháng 7, mực nước nhiều hồ đập cũng xuống ở mức thấp nhất. Hiện chỉ có 3/17 hồ chứa thuộc đơn vị quản lý đạt dung tích thiết kế.
Hạn hán trên diện rộng cũng đang hoành hành khắp tỉnh Quảng Trị trong khi lượng nước các hồ chứa trên địa bàn chỉ còn khoảng 27,7% so với dung tích thiết kế. Bên cạnh đó, mặn cũng đã xâm nhập sâu vào nội đồng. Hơn 2.800 ha lúa của các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong và TP Đông Hà đang khô kiệt.
Đề nghị công an, quân đội hỗ trợ
Nắng nóng kéo dài, nhiều tháng liền không mưa cũng làm khoảng 10.062 hộ dân ở Bình Định thiếu nước sinh hoạt; tập trung nhiều các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Tuy Phước…
Đầm Trà Ổ rộng khoảng 1.200 ha, nằm ở phía Bắc huyện Phù Mỹ lâu nay hiếm khi cạn kiệt. Vậy nhưng hiện nay, phần lớn diện tích đầm đã khô cạn đáy. Mỹ Bình là hồ nước ngọt lớn nhất huyện Hoài Nhơn, hơn 1 tháng nay đã xuống mực nước chết khiến hơn 5.000 hộ dân ở vùng Tam Quan Bắc đứng trước nguy cơ thiếu nước sinh hoạt. Ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Nhà máy Nước Tam Quan Bắc, cho rằng nhà máy phải dùng ống to đưa ra giữa hồ để hút những giọt nước cuối cùng. “Nếu khoảng 10 ngày nữa không có mưa, nhà máy phải dừng hoạt động, hàng ngàn hộ dân sẽ gặp khó khăn” – ông Thanh lo lắng.
Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết tỉnh sẽ đề nghị công an, quân đội dùng các xe chuyên dụng để vận chuyển nước sạch đến tiếp tế cho các hộ dân thiếu nước, tránh tình trạng mua nước sinh hoạt không rõ nguồn gốc gây nguy cơ dịch bệnh.
Trong khi đó, 90% giếng nước ở xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên, đã cạn kiệt. Nhiều gia đình khoan thêm giếng sâu nhưng được vài hôm cũng cạn nước. “Giờ cả xã chỉ còn một vài giếng có nước nhưng cũng sắp cạn rồi. Cả xã dồn về những giếng này để xin nước về uống. Họ cũng giúp nhau thôi, nhưng phải dè sẻn vì sợ đứt nước” – ông Nguyễn Văn Hoàng lo lắng.
Còn theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh Quảng Bình, gần như toàn bộ 113 công trình cấp nước trên địa bàn đều không bảo đảm đủ dung lượng và chất lượng nước cho người dân; nhiều công trình nước và địa phương bị nhiễm phèn hoặc xâm nhập mặn như tại các vùng ở sông Gianh, sông Rào Nan.
Đà Nẵng: Làng rau La Hường kiệt quệ
Do không có mưa cộng với nguồn nước sông Cầu Đỏ xuống thấp và nhiễm mặn nặng khiến làng rau La Hường rộng hơn 10 ha ở phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng, đang rơi vào cảnh kiệt quệ do thiếu nước tưới.
Ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ, cho biết chính quyền quận đang vận động người dân khoan giếng để lấy nước canh tác. Về lâu dài, UBND quận sẽ phối hợp với đơn vị liên quan xây dựng hệ thống thủy lợi, máy bơm đồng bộ… nhằm cung cấp đủ nguồn nước tưới, ổn định năng suất và đầu ra cho sản phẩm rau.