Báo cáo mới công bố của Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển (MDI) cho thấy trong khi một số địa phương không còn mặn mà với các dự án nhiệt điện than do nhiều quan ngại về môi trường và tiến độ đầu tư thì lĩnh vực điện mặt trời lại có bước phát triển nhảy vọt trong quý 2/2019 nhờ hỗ trợ chính sách của chính phủ và hàng loạt ngân hàng trong nước đổ những khoản tín dụng lớn vào năng lượng sạch.
Tính đến ngày 30/6, công suất điện mặt trời đã đạt 4.464 MW, chiếm 8,28% công suất đặt của hệ thống điện Việt Nam, vượt xa mục tiêu xây dựng 850 MW điện mặt trời vào năm 2020 như trong Quy hoạch Điện 7 điều chỉnh.
Lĩnh vực nhiệt điện khí, nhất là nhiệt điện sử dụng khí LNG, cũng đứng trước cơ hội phát triển bứt phá sau khi hàng loạt dự án kho cảng nhập khẩu và nhiệt điện khí đã được đề xuất xây dựng trên cả nước.
Với nhiệt điện than, dù năm 2018, loại hình năng lượng này vượt qua thuỷ điện để trở thành nguồn có công suất lớn nhất, chiếm 38,1% (18.516 MW) trong tổng công suất đặt hệ thống 48.563 MW trên cả nước, tuy nhiên, nhu cầu về than cho phát điện đột ngột tăng mạnh trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn than cung cấp cho một số nhà máy nhiệt điện ở phía Bắc tại một số thời điểm.
Theo quy hoạch, Việt Nam dự kiến sẽ phát triển hàng loạt các nhà máy điện than mới trên cả nước. Tỷ trọng công suất nhiệt điện than dự kiến tăng từ 37% năm 2017 lên 42,6% vào năm 2030, tương đương với 43 GW nhiệt điện than mới.
Tuy nhiên, phát triển nhiệt điện than gây nhiều quan ngại về môi trường khiến một số địa phương không mặn mà với các đề xuất dự án mới. Chính quyền Bạc Liêu và Long An gần đây đã đề nghị Bộ Công Thương và Chính phủ thay thế các dự án nhiệt điện than tại địa phương này bằng các dự án sử dụng khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) và năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, những vấn đề phát sinh trong thực hiện các dự án đang triển khai như vốn, năng lực nhà thầu,… cũng khiến nhiều dự án nhiệt điện than trọng điểm như Long Phú 1, Sông Hậu 1 và Thái Bình 2 chậm tiến độ kéo dài.