Nhiều tỉnh, thành “sửa sai” sau khi cấp bãi biển cho nhà đầu tư nhưng việc thu hồi lại không hề dễ dàng.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa, đến năm 2018, khu resort Ana Mandara (nằm trên bãi biển phía Đông đường Trần Phú, TP Nha Trang) do Công ty TNHH Sovico Khánh Hòa quản lý đã hết hạn hợp đồng thuê đất, phải di dời ra khu vực Bắc bán đảo Cam Ranh để trả lại không gian thông thoáng của công viên bờ biển. Tuy nhiên đến nay, khu resort Ana Mandara vẫn chưa chịu di dời.
Dây dưa trả lại mặt bằng
Khu resort Ana Mandara có diện tích khoảng 26.000 m2, một mặt giáp biển và một mặt tiền đường Trần Phú. Từ năm 1997, Ana Mandara bắt đầu đón khách với hạn thuê đất 20 năm. Sau khi đi vào hoạt động, resort này nhiều lần bị người dân phản ứng do chắn tầm nhìn ra biển.
Từ năm 2011-2015, UBND tỉnh Khánh Hòa đã nhiều lần họp với chủ đầu tư khu resort Ana Mandara và thống nhất cấp lô đất khoảng 29 ha tại khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh để công ty đầu tư xây dựng dự án thay thế, đến năm 2018 sẽ giao lại khu đất hiện tại để cải tạo làm công viên.
Trong nhiều cuộc họp về thống nhất đồ án quy hoạch phía Đông đường Trần Phú – Phạm Văn Đồng, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, yêu cầu khu resort Ana Mandara di dời để chuyển đổi thành khu vực cộng đồng, đặc biệt là sinh hoạt về đêm, nhằm phục vụ người dân và du khách.
Việc lấy lại bờ biển ở Nha Trang ở dự án này đến nay vẫn giẫm chân tại chỗ. Theo Ban Quản lý dự án khu du lịch Bắc Bán đảo Cam Ranh, nhà đầu tư cam kết đến ngày 30-6-2019 sẽ hoàn thành việc xây dựng và đưa vào khai thác với quy mô khoảng 194 phòng.
Ngày 30-6-2020 hoàn thành việc thi công đưa vào khai thác toàn bộ dự án. Đến nay, chủ đầu tư chỉ mới san nền và xây dựng sơ bộ một số biệt thự, nhà mẫu, hệ thống cấp nước, hệ thống cống thoát nước mưa phía Bắc và giữa dự án.
Giải thích về sự chậm trễ này, đại diện Công ty TNHH Sovico Khánh Hòa (chủ đầu tư của resort Ana Mandara) cho biết việc xây dựng chậm, chưa được cấp giấy phép xây dựng vì cơ quan chức năng phải rà soát thủ tục hành chính phục vụ việc thanh tra, kiểm tra của cấp trên.
Theo Sở Du lịch Khánh Hòa, khu resort Ana Mandara cũ do vị trí đắc địa nên luôn nằm trong những đơn vị lưu trú có doanh thu ổn định và cao bậc nhất tỉnh Khánh Hòa, đạt cả trăm tỉ đồng/năm.
Một dự án khác là Công viên văn hóa, giải trí và thể thao Nha Trang Sao giáp biển, phía Đông đường Phạm Văn Đồng cũng đang được UBND tỉnh Khánh Hòa thu hồi nhưng gần 2 năm qua vẫn bỏ hoang vì chủ đầu tư khiếu nại, khiếu kiện.
Mạnh ai nấy rào
Tại TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, trên suốt chiều dài gần 15 km cung đường biển từ phường Hàm Tiến đến phường Mũi Né dày đặc hàng trăm resort, khu nghỉ dưỡng cao cấp nằm chen chúc, san sát ở vị trí mặt tiền bờ biển, có rất ít khoảng trống làm đường giao thông ra biển. Người dân địa phương và du khách (nếu không ở khu nghỉ dưỡng ven biển) rất vất vả khi tìm đường xuống biển.
Ông Nguyễn Văn Nam (ngụ khu phố 4, phường Hàm Tiến) có nhà đối diện và cách biển hơn 200 m nhưng muốn tắm biển phải đi vòng hơn 1 km bởi vướng các resort liền kề kéo dài che kín mít.
Tại khu vực Bãi Sau, nơi diễn ra hoạt động thu mua, trao đổi hải sản của hầu hết người dân Mũi Né, hiện không có một con đường chính để xuống biển. Người dân phải đi nhờ qua khu đất của một dự án du lịch.
Theo lãnh đạo UBND phường Mũi Né, địa phương đã nhiều lần kiến nghị tỉnh, TP nhanh chóng triển khai xây dựng một tuyến đường xuống khu vực này để người dân thuận tiện trong đi lại, sinh hoạt.
Đáng nói hơn, xuất hiện tình trạng nhiều resort đã tự ý rào chắn khu vực bờ biển xung quanh vị trí của mình để bãi biển trở thành sở hữu riêng. Vừa qua, UBND phường Mũi Né đã lập biên bản đối với resort Hòn Ngọc Mũi Né vì tự ý dùng dây kẽm gai, trụ gỗ để rào chắn khu vực bãi biển quanh resort làm bít đường xuống biển của người dân.
“Bãi biển đâu là của họ mà lại tự ý rào chắn làm bít đường. Ngay cả tàu thuyền cũng không có chỗ neo đậu” – ông Phạm Văn Long, một người dân ở phường Mũi Né, bức xúc.
Hiện nhiều resort ở Hàm Tiến – Mũi Né tự ý đầu tư xây kè bằng bao cát, bê-tông theo kiểu mạnh ai nấy làm để phòng nước biển xâm thực, gây mất mỹ quan bờ biển, khó khăn cho người dân ra biển, gián tiếp gây sạt lở khu vực lân cận. UBND tỉnh Bình Thuận đang chỉ đạo ngành chức năng kiểm tra tình trạng này để kiên quyết xử lý.
Quy hoạch chồng lấn khu bảo tồn Hòn Cau
UBND tỉnh Bình Thuận vừa có công văn yêu cầu các sở: Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, Tài nguyên – Môi trường, Công Thương, Nội vụ và UBND huyện Tuy Phong kiểm điểm trách nhiệm trong việc tham mưu cho tỉnh phối hợp với Bộ Công Thương điều chỉnh quy hoạch Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân gây chồng lấn khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Cau.
Các sở này đã chưa nghiên cứu, rà soát kỹ, góp ý chưa đầy đủ, chưa kịp thời phát hiện, báo cáo UBND tỉnh giải quyết việc chồng lấn diện tích giữa Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân và khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Cau.
Trước đó, Kiểm toán Nhà nước thông báo kết quả kiểm toán công tác quản lý môi trường tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân. Theo đó, việc điều chỉnh quy hoạch Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân không tuân thủ quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020 và quyết định về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, dẫn đến tình trạng quy hoạch Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân nằm chồng lấn với khu bảo tồn biển Hòn Cau trên diện tích khoảng 525 ha, đến nay vẫn chưa được giải quyết.