Biên giới đường bộ vẫn là địa bàn có nhiều diễn biến phức tạp về vi phạm trong lĩnh vực hải quan với số vụ vi phạm được phát hiện, bắt giữ, xử lý lên đến 4.061 vụ.
Theo Cục Điều tra chống buôn lậu, 6 tháng đầu năm tình hình vi phạm ở 3 tuyến trọng điểm: Biên giới đường bộ; đường biển, cảng sông quốc tế; hàng không, bưu điện tiếp tục diễn biến phức tạp.
Riêng tuyến biên giới đường bộ, cơ quan Hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ 4.061 vụ, trị giá hàng vi phạm ước tính hơn 1.073 tỷ đồng.
Số vụ vi phạm trên tuyên biên giới đường bộ chiếm 45,5% tổng số vụ vi phạm được phát hiện, bắt giữ, xử lý trong toàn Ngành 6 tháng đầu năm, tăng 993 vụ so với cùng kỳ 2018, riêng trị giá hàng hóa vi phạm tăng đến 11 lần.
Các địa bàn trọng điểm, có nguy cơ vi phạm trải dài từ miền Bắc đến miền Nam.
Đáng chú ý là khu vực biên giới Lạng Sơn, Lào Cai, Điện Biên, Cao Bằng, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Tây Ninh, Đồng Tháp, An Giang…
Hàng hóa vi phạm trên tuyến đường bộ rất phức tạp từ ma túy; hàng cấm như vảy tê tê, động vật hoang dã; hàng tiêu dùng như đường, nước ngọt, quần áo, giày dép…
Cục Điều tra chống buôn lậu đánh giá, với địa hình biên giới nhiều khu vực hiểm trở, đường mòn, lối tắt… là điều kiện để đối tượng lợi dụng để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
“Thủ đoạn của các đối tượng vượt biên để vận chuyển hàng hóa; cất giấu hàng cấm trong hàng hóa xuất nhập khẩu thông thường hay hành lý của khách xuất nhập cảnh… gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, bắt giữ”- đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu cho hay.
Khi đưa hàng hóa trọt lọt vào Việt Nam, các đối tượng sử dụng chiêu thức dùng trái phép hóa đơn, chứng từ để lưu thông hàng hóa vi phạm trên thị trường.
Đáng chú ý, để vận chuyển hàng vi phạm vào sâu trong nội địa, đối tượng buôn lậu sẽ xé lẻ hàng hóa vận chuyển theo xe khách, xe tải ở nhiều cung đường khác nhau hòng qua mắt lực lượng chức năng…