Thủ đô Paris của Pháp đã ban bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu.
Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng thành phố Paris, Phó Thị trưởng phụ trách vấn đề môi trường Celia Blauel tuyên bố: “Paris, giống như các thành phố khác, đã ban bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu”.
Bà nhấn mạnh sự cần thiết phải giữ vững các mục tiêu trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đạt được năm 2015, đồng thời cho biết chính quyền thành phố sẽ thành lập một “học viện khí hậu” nhằm giáo dục tốt hơn cho giới trẻ và người dân về vấn đề này.
Quyết định của Paris được đưa ra trong bối cảnh châu Âu đang trải qua một đợt nắng nóng gay gắt đầu Hè, với nhiệt độ lên mức kỷ lục trên 45 độ C ở Pháp cũng như nhiều nước khác như Bulgaria, Bồ Đào Nha, Italy, Tây Ban Nha, Hy Lạp và CH Bắc Macedonia.
Đợt nắng nóng dữ dội này một lần nữa cho thấy tác động của tình trạng Trái Đất ấm dần lên và các hình thái thời tiết khắc nghiệt này có khả năng sẽ trở nên ngày một thường xuyên hơn.
Trước đó, ngày 1/5, Quốc hội Anh đã trở thành cơ quan lập pháp đầu tiên trên thế giới ban bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu, sau khi diễn ra làn sóng biểu tình bảo vệ môi trường của phong trào Extinction Rebellion tại London kéo dài 11 ngày. Đến ngày 10/5, Quốc hội Ireland đã ra tu chính án tuyên bố tình trạng khẩn cấp tương tự.
Trong một động thái được coi là thắng lợi đối với các nhà hoạt động vì môi trường, chính quyền thành phố New York, Mỹ đã ban bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu vào ngày 26/6/2018, trở thành thành phố lớn nhất trên thế giới đưa ra tuyên bố này.
Theo tổ chức The Climate Mobilization – một tổ chức phi chính phủ của Mỹ, đến nay đã có trên 650 chính quyền các thành phố trên thế giới có quyết định tương tự.
Trong thỏa thuận Paris năm 2015, trên 200 quốc gia trên thế giới đã cam kết giới hạn mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và xuống dưới 1,5 độ C nếu có thể. Tuy nhiên, tháng 6/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này.