Mỹ cân nhắc “rửa” quần đảo Farallon bằng 1,5 tấn thuốc chuột

Giới chức Mỹ đề xuất rải 1,5 tấn thuốc chuột lên nhóm đảo Farallon để hạn chế sự phát triển của loài động vật gặm nhấm này.

Đài Fox News hôm 8-7 cho biết số lượng chuột đang gia tăng nhanh chóng trên quần đảo Farallon, cách bờ biển TP San Francisco – Mỹ hơn 48 km. Hiện có khoảng 59.000 con chuột sống trên quần đảo Farallon.

Cơ quan Nghề cá và Động vật hoang dã Mỹ (FWS) đã đề xuất tiêu diệt hàng ngàn con chuột vì gây hại cho hệ sinh thái bản địa. Cụ thể, chúng thu hút loài cú đến săn mồi, nhằm vào quần thể gặm nhấm, côn trùng và chim hải âu nhỏ được xem là quý hiếm. Chuột cũng giúp một loài thực vật xâm lấn lây lan trên quần đảo.

Theo báo The Los Angeles Times, Ủy ban Duyên hải bang California sẽ tổ chức một cuộc họp vào giữa tuần này để xác định việc sử dụng thuốc chuột brodifacoum có mang lại hiệu quả hay không. “Chuột đang gây tác động đến hệ sinh thái bản địa của các hòn đảo, bao gồm một số loài bản địa và động vật hoang dã” – FWS viết trong bản Tuyên bố Tác động môi trường hồi tháng 3.

Diệt trừ chuột xâm lấn dự kiến ​​đem lại lợi ích cho các loài chim biển, động vật lưỡng cư, động vật không xương sống trên cạn và thực vật, giúp khôi phục hệ sinh thái tự nhiên. Kể từ năm 2007, 28 trong số 30 dự án diệt chuột đã thực hiện thành công.

FWS lưu ý họ đã xem xét nhiều phương pháp diệt chuột nhưng nhận thấy sử dụng thuốc chuột vẫn là phương pháp hiệu quả nhất.

Giới chức Mỹ cân nhắc dùng 1,5 tấn thuốc độc diệt chuột trên quần đảo Farallon. (Ảnh: AP)

Phát ngôn viên của FWS Doug Cordell nói: “Có nhiều cách để diệt chuột nhưng sử dụng chất độc vẫn là biện pháp hiệu quả nhất. Bằng chứng là 28 trong số 30 dự án diệt chuột bằng chất độc đã từng được thực hiện thành công từ năm 2007, giúp các loài bản địa phát triển mạnh mẽ. Nguy cơ tiềm ẩn đối với sinh vật biển khá thấp. Ngay cả khi chất độc rơi xuống nước cũng sẽ tan nhanh hoặc chìm xuống đáy”.

Tuy nhiên, nhiều nhà bảo tồn động vật cho rằng việc ngăn chặn quần thể chuột xâm lấn là cần thiết song chất độc có thể làm tổn thương các loài khác trên đảo.

“Đây là trường hợp sử dụng một khẩu súng ngắn để đuổi theo giết một con kiến” – thành viên Richard Charter của tổ chức The Ocean Foundation (Mỹ), ví von.

Các nhà khoa học phản đối kế hoạch trên đã cảnh báo việc dùng brodifacoum – một loại thuốc chống đông máu gây chết người, vì có trường hợp sư tử núi ở bang California được tìm thấy chết do thuốc chuột sau khi ăn mồi dính chất độc này.

Quần đảo này còn là nhà của một số loài chim biển, sư tử biển và hải cẩu. Xung quanh quần đảo có 18 loài cá voi và cá heo sinh sống.

Nếu được thông qua, nhà chức trách sẽ thả 1,5 tấn thuốc chuột dạng viên xuống quần đảo Farallon vào năm tới. Động thái này cần có sự chấp thuận của Cơ quan Bảo vệ Môi trường và Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ.

Gia Minh (Theo Fox News, The Los Angeles Times)

Nguồn: