Theo phóng viên TTXVN tại Australia, hải quan Indonesia ngày 9/7 thông báo sẽ gửi trả Australia 8 container chứa 210 tấn rác sau khi phát hiện trong các container này có chứa cả vật liệu độc hại và rác thải gia đình.
Các quan chức hải quan Indonesia cho biết số container trên chuyển đến từ Brisbane, bang Queensland của Australia, bị giữ tại một cảng ở thành phố Surabaya của Indonesia từ tháng 6 vừa qua.
Các container này lẽ ra chỉ chứa rác giấy, tuy nhiên, khi kiểm tra toàn bộ lô hàng, giới chức hải quan đã phát hiện có cả vật liệu độc hại và rác thải gia đình, bao gồm vỏ chai nhựa, tã giấy đã sử dụng, rác thải điện tử và vỏ đồ hộp. Các phóng viên địa phương đã được mời đến chứng kiến việc kiểm tra các container này.
Ông Basuki Suryanto, người đứng đầu hải quan tại cảng Tanjung Perak, nói các container này phải được chuyển trả lại Australia, và nhấn mạnh đây là vụ việc rất nghiêm trọng vì liên quan đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Hải quan Indonesia cho biết các container trên do công ty tái chế và xử lý chất thải Oceanic Multitrading có trụ sở tại Sydney chuyển đến Surabaya với sự trợ giúp của công ty PT. MDI của Indonesia.
Nhiều năm trước đây, Trung Quốc đã tiếp nhận một lượng lớn rác thải nhựa từ các nước trên thế giới. Năm 2018, chính quyền Bắc Kinh đã quyết định cấm nhập rác thải nhựa trong nỗ lực làm sạch môi trường. Do đó, một lượng lớn rác thải nhựa đã được đưa sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Malaysia, Indonesia và Philippines. Tuy nhiên, các nước này đã phản đối việc bị sử dụng làm nơi đổ rác thải của các nước phương Tây.
Tuần trước, Indonesia thông báo gửi trả tổng cộng 49 container rác về Pháp và các nước phát triển khác.
Tháng 5 vừa qua, Malaysia cũng thông báo gửi 450 tấn rác thải nhựa trả về những nơi xuất xứ, gồm Australia, Bangladesh, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản, Saudi Arabia và Mỹ.
Tháng trước, Philippines đã chuyển trả Canada 69 container rác, chấm dứt tranh cãi ngoại giao giữa hai nước về vấn đề này.