Nghiên cứu của IMF chỉ ra rằng nhìn chung thì những quốc gia có nhiều tài nguyên thường có thể chế yếu hơn và mức độ tham nhũng cao hơn.
Cuộc chiến chống tham nhũng đòi hỏi cả ý chí chính trị, cải cách thể chế và sự hợp tác quốc tế.
Trong phát biểu nhân ngày chống tham nhũng quốc tế 9/12/2018, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cho biết, hàng năm tham nhũng gây tổn thất 3,6 nghìn tỷ USD.
Tham nhũng có thể diễn ra dưới nhiều hình thức: hối lộ, tham ô, rửa tiền, trốn thuế và chủ nghĩa thân hữu… Dù bất kì hình thức nào, tham nhũng cũng luôn khiến một bộ phận phải trả giá.
Một cuộc khảo sát năm 2017 từ Tổ chức Minh bạch Quốc tế trên 162.136 người trên toàn thế giới cho thấy 25% số người được hỏi cho biết họ đã phải hối lộ để tiếp cận các dịch vụ công cộng trong 12 tháng qua.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi 57% số người được hỏi cho rằng việc chống tham nhũng của chính phủ họ đang rất yếu kém.
Dựa trên mức trung bình toàn cầu, cuộc khảo sát này cũng cho thấy công an và quan chức được bầu là những người thuộc nhóm tham nhũng nhất.
Không có quốc gia nào miễn nhiễm với tham nhũng. Việc lạm dụng công sở để thu lợi tư đã làm xói mòn niềm tin của mọi người vào chính phủ và các thể chế, khiến cho các chính sách công trở nên kém hiệu quả và thiếu công bằng hơn, đồng thời hút hết tiền của người đóng thuế khỏi những khu vực cần đầu tư như trường học, đường xá, bệnh viện.
Mặc dù việc lãng phí tiền của cũng rất quan trọng nhưng cái giá thực sự phải trả còn nhiều hơn thế. Có thể nói, tham nhũng ăn mòn khả năng chính phủ hỗ trợ phát triển kinh tế. Nhưng ý chí chính trị nhằm xây dựng các thể chế mạnh mẽ và minh bạch có thể xoay chuyển tình trạng chống tham nhũng.
Trong Báo cáo Giám sát tài chính mới công bố tháng 4/2019 của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), các tác giả đã chỉ ra cách những định chế tài chính và chính sách tài khóa như quản lý thuế hoặc thực hành mua sắm công có thể giúp chống tham nhũng.
Tham nhũng giúp trốn thuế
Nhóm nghiên cứu của IMF đã phân tích hơn 180 quốc gia và nhận thấy rằng có khá nhiều đất nước tham nhũng thu được ít tiền thuế hơn bởi người dân sẵn sàng trả tiền hối lộ để tránh nộp thuế. Tình trạng này bao gồm cả việc sử dụng các lỗ hổng thuế để thu lại quả bí mật.
Bên cạnh đó, khi người nộp thuế tin rằng chính phủ của họ đang trong tình trạng tham nhũng thì nhiều khả năng họ cũng sẽ trốn thuế.
IMF thấy rằng về tổng thể, trong cùng một mức độ phát triển kinh tế thì những chính phủ ít tham nhũng nhất thu được tiền thuế nhiều hơn 4% GDP so với những chính phủ có tỷ lệ tham nhũng cao nhất.
Cải cách ở một vài quốc gia thậm chí còn tạo ra nguồn thu cao hơn. Ví dụ Georgia đã cố gắng giảm tham nhũng đáng kể và do vậy, doanh thu thuế của họ đã tăng gấp đôi, cải thiện 13 điểm phần trăm GDP từ năm 2003 đến năm 2008.
Cải cách của Rwanda chống tham nhũng từ giữa những năm 1990 đang mang lại thành quả, doanh thu thuế của quốc gia này cũng đã tăng 6 điểm phần trăm GDP.
Tham nhũng cũng ngăn cản người dân hưởng lợi đầy đủ từ sự giàu có do tài nguyên thiên nhiên của đất nước họ.
Do khai thác dầu và khai khoáng tạo ra những nguồn lợi khổng lồ, chúng cũng đồng thời tạo ra động lực mạnh mẽ để tham nhũng. Nghiên cứu của IMF chỉ ra rằng các nước giàu tài nguyên thường có thể chế yếu hơn và mức độ tham nhũng cao hơn.
Tham nhũng lãng phí tiền của người nộp thuế
Báo cáo giám sát tài chính cũng cho thấy các nước có mức độ tham nhũng thấp sẽ ít lãng phí đáng kể trong các dự án đầu tư công. Ước tính, các nền kinh tế thị trường mới nổi có mức độ tham nhũng cao nhất thường lãng phí số tiền gấp 2 lần so với các nền kinh tế được xem là trong sạch nhất.
Các chính phủ lãng phí tiền của người nộp thuế khi họ chi tiêu phung phí vượt mức do muốn có hoa hồng hoặc để đút lót gian lận đấu thầu trong việc mua sắm công. Những quốc gia ít tham nhũng sẽ sử dụng tiền đầu tư một cách hiệu quả và công bằng hơn.
Tham nhũng còn tác động đến hiệu quả của chi tiêu xã hội. Thống kê cho thấy các nước tham nhũng nhiều có điểm kiểm tra của học sinh trong độ tuổi đi học thấp hơn.
Tham nhũng cũng là một vấn đề trong các doanh nghiệp nhà nước, chẳng hạn các công ty dầu mỏ quốc gia hoặc các công ty cung cấp tiện ích công cộng như điện, nước. Phân tích của IMF cho thấy những doanh nghiệp này thường hoạt động kém hiệu quả hơn tại các quốc gia có mức độ tham nhũng cao.
Báo cáo Giám sát Tài chính của IMF cho rằng với các nước đang phát triển có thu nhập thấp trong đó có Việt Nam, chính sách tài khóa nên tập trung vào việc hỗ trợ các mục tiêu tăng trưởng và phát triển dài hạn. Những nỗ lực để tăng doanh thu, cải thiện chất lượng chi tiêu và quản lý tốt gánh nặng nợ hơn sẽ rất quan trọng để đạt được các mục tiêu này. IMF khuyến khích Việt Nam củng cố tài khóa dựa trên doanh thu nhiều hơn so với kế hoạch hiện đang có. Họ cũng khuyến nghị các nhà xuất khẩu phi-hàng hóa (Noncommodity) của Việt Nam hiện đang có tỷ lệ nợ ở mức thấp và trung bình nên cố gắng giữ ổn định mức nợ đó, đồng thời theo đuổi các cải cách về doanh thu và chi tiêu để hỗ trợ phát triển. Việc cải thiện chất lượng đầu tư cơ sở hạ tầng cũng quan trọng không kém việc mở rộng số lượng, quy mô của chúng. Báo cáo IMF năm 2015 về “Chính sách tài khóa và phát triển dài hạn” ước tính trung bình tới khoảng 30% khoản đầu tư bị mất do thiếu hiệu quả, con số này còn lớn hơn ở các quốc gia đang phát triển do các lỗ hổng tham nhũng. Trong vấn đề này, Báo cáo Giám sát Tài chính của IMF khuyến cáo Việt Nam phải cải thiện việc phân bổ chi tiêu và điều chỉnh dòng tiền, để tránh tình trạng dự án bị chậm trễ kéo dài hoặc có quá nhiều dự án tràn lan. |
Giải pháp
Chống tham nhũng đòi hỏi phải có ý chí chính trị vững vàng để có thể tạo lập nên những thể chế tài khóa mạnh mẽ nhằm thúc đẩy tính liêm chính và trách nhiệm trong toàn bộ khu vực công. Nghiên cứu đưa ra một số bài học cho các quốc gia để giúp họ xây dựng các thể chế hiệu quả nhằm hạn chế các lỗ hổng dễ bị tham nhũng tấn công.
Đầu tư vào việc tạo dựng mức độ minh bạch cao và giám sát độc lập từ bên ngoài. Điều này cho phép các cơ quan kiểm toán và công chúng nói chung có thể tham gia giám sát một cách hiệu quả.
Colombia, Costa Rica và Paraguay đang sử dụng một nền tảng trực tuyến cho phép công dân theo dõi tiến trình vật lý và tài chính của các dự án đầu tư. Na Uy đã phát triển một tiêu chuẩn minh bạch cao để quản lý tài nguyên thiên nhiên.
Phân tích của IMF cũng cho thấy một nền báo chí tự do sẽ giúp nâng cao lợi ích do minh bạch tài chính.
Ở Brazil, kết quả kiểm toán đã tác động đến triển vọng tái tranh cử của các quan chức bị nghi ngờ lạm dụng tiền công. Các tác động này được đánh giá là còn lớn hơn nữa tại các khu vực có đài phát thanh địa phương.
Cải cách thể chế. Cơ hội thành công sẽ lớn hơn khi các quốc gia có thể thiết kế nên những cải cách có khả năng giải quyết nạn tham nhũng từ mọi góc độ.
Ví dụ, cải cách về quản lý thuế sẽ dẫn đến tỷ lệ nộp thuế hơn nếu luật thuế được đơn giản hóa và giảm được phạm vi tùy ý hành động của quan chức.
Để giúp các quốc gia trong vấn đề này, IMF đã xây dựng bộ chẩn đoán toàn diện về chất lượng của các tổ chức tài chính, bao gồm quản lý đầu tư công, quản lý doanh thu và giải quyết minh bạch tài chính.
Xây dựng hệ thống dịch vụ công chuyên nghiệp. Một đội ngũ nhân viên công vụ chuyên nghiệp, được thuê và trả lương theo năng lực sẽ giúp giảm nguy cơ tham nhũng. Điều này đòi hỏi người đứng đầu các cơ quan, bộ ngành và doanh nghiệp công có trách nhiệm thúc đẩy các hành vi đạo đức bằng cách đặt ra các thông điệp và làm gương rõ ràng từ trên.
Theo kịp với những thách thức mới khi sự phát triển công nghệ và các cơ hội sai phạm tăng lên. Các chính phủ phải tập trung vào các lĩnh vực có rủi ro cao như mua sắm đấu thầu, quản trị doanh thu và quản lý tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời phải đẩy mạnh việc kiểm soát nội bộ hiệu quả.
Ở Chile và Hàn Quốc, các hệ thống mua sắm điện tử là công cụ hữu hiệu để ngăn chặn tham nhũng. Những hệ thống như vậy đã thúc đẩy tính minh bạch và cải thiện sự cạnh tranh giữa các nhà cung cấp.
Hợp tác nhiều hơn để chống tham nhũng. Các quốc gia cũng có thể tham gia vào các nỗ lực làm cản trở hành động tham nhũng xuyên biên giới.
Theo công ước chống tham nhũng của OECD, hơn 40 quốc gia đã biến tham nhũng thành tội ác khi các công ty của họ phải hối lộ để có được quyền kinh doanh ở nước ngoài.
Các quốc gia cũng có thể theo đuổi các hoạt động chống rửa tiền hoặc làm giảm cơ hội che giấu tiền tham nhũng xuyên quốc gia qua các trung tâm tài chính mờ ám.
Có thể nói, kiềm chế tham nhũng là một thách thức đòi hỏi sự kiên trì trên nhiều mặt, nhưng nó cũng đem lại lợi ích lớn lao. Cuộc chiến chống tham nhũng sẽ phải bắt đầu bằng ý chí chính trị, theo sau đó là các hành động củng cố thể chế liên tục, và mở rộng ra bằng việc hợp tác toàn cầu.
Nguồn: https://www.weforum.org/agenda/2019/04/tackling-corruption-in-government/
Ngô Hà (Theo WEF, IMF, TI)