Trồng thêm 1 tỷ ha rừng có thể giúp loại bỏ hai phần ba lượng carbon mà con người thải vào bầu khí quyển từ những năm 1800. Để làm được việc này, ước tính sẽ cần khoảng 300 tỷ USD.
Nhiệt độ toàn cầu có thể tăng 1,5°C (so với mức sau khi xuất hiện ngành công nghiệp) vào đầu năm 2030, nếu xu hướng nóng lên vẫn tiếp diễn như hiện tại. Nhưng cây xanh có thể giúp ngăn chặn cuộc khủng hoảng khí hậu này.
Một phân tích mới cho thấy, việc bổ sung gần 1 tỷ ha rừng có thể loại bỏ hai phần ba trong số khoảng 300 gigatons (1 gigaton = 1 tỷ tấn) carbon mà con người thải vào bầu khí quyển từ những năm 1800.
“Rừng là một trong những đồng minh tự nhiên lớn nhất của chúng ta trong việc chống lại biến đổi khí hậu”, Laura Duncanson, nhà nghiên cứu lưu trữ carbon tại Đại học Maryland và NASA, người không tham gia nghiên cứu, nhận xét.
Tuy nhiên, bà cảnh báo, “đây là một phân tích được đơn giản hóa về lượng carbon mà các khu rừng có thể xử lý được, và chúng ta không nên coi ước tính này là chắc chắn đúng”.
Báo cáo mới nhất từ Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc đã đề xuất trồng thêm 1 tỷ ha rừng để giúp hạn chế sự nóng lên 1,5°C trên toàn cầu vào năm 2050.
Các nhà sinh thái học Jean-Francois Bastin và Tom Crowther của Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ tại Zurich và các tác giả báo cáo muốn tìm hiểu xem liệu Trái đất ngày nay có thể trồng được thêm nhiều cây như vậy không, và trồng ở đâu.
Họ đã phân tích gần 80.000 bức ảnh vệ tinh về độ che phủ rừng hiện tại. Sau đó, nhóm nghiên cứu đã phân loại các khu vực của hành tinh theo 10 đặc điểm đất và khí hậu để xác định khu vực nào thích hợp với loại rừng nào.
Sau khi bỏ qua các khu rừng, khu vực nông nghiệp hiện có và các thành phố, họ đã tính toán diện tích còn lại có thể dùng để trồng cây.
Trái đất có thể có thêm 0,9 tỷ ha rừng, tương đương với diện tích Hoa Kỳ, mà không ảnh hưởng đến các vùng đất đô thị hoặc nông nghiệp hiện tại, theo các nhà nghiên cứu báo cáo trên tạp chí Science.
Những cây được trồng thêm có thể xử lý 205 gigatons carbon trong những thập kỷ tới, gấp khoảng năm lần lượng phát thải trên toàn cầu vào năm 2018.
“Công trình này ghi lại tầm quan trọng của những gì rừng có thể làm cho chúng ta. Rừng đóng một vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu giảm thiểu thiểu biến đổi khí hậu”, nhà nghiên cứu sinh thái học Greg Asner thuộc Đại học bang Arizona, cho biết.
Thêm rừng sẽ không chỉ xử lý carbon. Rừng mang đến một loạt các lợi ích khác bao gồm cải thiện đa dạng sinh học, chất lượng nước và giảm xói mòn. Crowther ước tính phục hồi rừng trên quy mô này sẽ cần khoảng 300 tỷ USD, với giá khoảng 0,30 USD một cây, tuy nhiên ước tính này chỉ là tương đối.
Không rõ chính xác lượng carbon mà rừng có thể xử lý là bao nhiêu, nhưng Duncanson cho biết NASA có các công cụ mới trong vũ trụ, như Điều tra động lực hệ sinh thái toàn cầu (GEDI) trên Trạm vũ trụ quốc tế, sử dụng tia laser để tạo ra các bản đồ rừng 3D từ tán đến sàn có độ phân giải cao và dùng dữ liệu này để ước tính về lượng carbon trên mặt đất.
“Ước tính về tổng số carbon trên quy mô lớn luôn không chính xác, nhưng chúng tôi sẽ sớm có nhiều dữ liệu hơn”, theo ông Duncanson.
Nguồn: https://www.sciencemag.org/news/2019/07/adding-1-billion-hectares-forest-could-help-check-global-warming