Các nhà khoa học đến từ 17 quốc gia đang bắt đầu triển khai một hành trình đầy tham vọng chưa từng có đến Bắc Cực.
Tại đây, họ sẽ để con tàu của mình bị đóng băng trong lớp băng đá dày suốt một năm để phục vụ mục đích nghiên cứu biến đổi khí hậu.
Theo RT, nhóm nghiên cứu gồm 600 người sẽ bắt tay vào dự án thám hiểm có tên gọi Đài quan sát nổi nghiên cứu Khí hậu Bắc Cực (MOSAiC) với ngân sách 158 triệu USD vào tháng 9. Dự kiến tàu phá băng RV Polarstern của Đức xuất phát từ Tromsø, Na Uy sẽ được neo vào một mảng băng lớn ở Bắc Băng Dương. Nhóm nghiên cứu sẽ chờ cho nước biển đóng băng xung quanh tàu. Khi tự “nhốt” mình trong lớp băng dày, họ sẽ xây dựng các trạm nghiên cứu mùa đông tạm thời trên băng và thực hiện các thí nghiệm khi băng trôi về cực Bắc.
Con tàu sẽ mang theo vật tư và các thiết bị khoa học. Tuy nhiên, đội nghiên cứu sẽ bị cô lập hoàn toàn và gần như không thể nhận được bất kỳ sự hỗ trợ khẩn cấp nào. Nhiệt độ có thể giảm xuống -50°C và hiện tượng Đêm vùng cực, khi Mặt Trời không mọc, kéo dài 150 ngày. Nhóm nghiên cứu dự định dựng một hàng rào xung quanh trại có khả năng phát âm thanh báo động nếu gấu Bắc cực đến quá gần, và ít nhất sáu người sẽ được chỉ định làm nhiệm vụ canh gác.
“Chúng tôi có thể làm nhiệm vụ bằng robot và những thứ khác, nhưng cuối cùng, hình ảnh, quan sát thủ công và đo đạc, là những điều chúng tôi cần đích thân làm. Chúng tôi cần phải ra ngoài, thành lập trại băng”, nhà vật lý chuyên về băng Marcel Nicolaus giải thích.
“Tính đến thời điểm hiện tại, chúng ta không thể tiếp cận khu vực đó và thậm chí còn thiếu những quan sát cơ bản về quá trình biến đổi khí hậu ở miền Trung Bắc Cực vào mùa đông. Chúng ta sẽ lần đầu tiên thay đổi được điều đó”, ông Markus Rex – trưởng nhóm nghiên cứu – bày tỏ.
Dự án hy vọng góp phần giúp thế giới hiểu thêm về biến đổi khí hậu tại Bắc Cực và tác động toàn cầu của nó, từ đó phát triển các chính sách về hoạt động hàng hải an toàn hơn.