Báo Jakarta Post số ra mới đây đăng bài viết với tựa đề “Ô nhiễm không khí là kẻ thù của thủ đô Jakarta”, trong đó kêu gọi Chính phủ Indonesia thực hiện các biện pháp đồng bộ và cần thiết để giải quyết kịp thời và hiệu quả tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Jakarta.
Một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất hiện nay tại thủ đô Jakarta là việc người dân sống trong thành phố đang phải đối mặt với một kẻ thù rõ ràng được gọi là ô nhiễm không khí. Một báo cáo công bố đầu năm 2019 của tổ chức Greenpeace khẳng định Jakarta là thành phố ô nhiễm nhất Đông Nam Á.
Trong suốt năm 2018, chỉ số bụi siêu mịn (PM2.5) ở Jakarta đã ở mức 45,3 µg(microgam)/m3 – cao hơn gấp 4 lần so với tiêu chuẩn tối đa do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt ra và cao gấp 3 lần mức tối đa cho phép theo tiêu chuẩn quốc gia của Indonesia.
Trong nhiều năm qua, chính quyền trung ương Indonesia và thành phố Jakarta đã thực hiện các biện pháp không đồng bộ để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí. Quy định về tiêu chuẩn chất lượng không khí quốc gia từ năm 1999 hiện vẫn đang được áp dụng, nhưng thực sự đã lỗi thời và cứng nhắc hơn nhiều so với tiêu chuẩn của WHO. Tiêu chuẩn mức PM2.5 tối đa hàng ngày do Chính phủ quy định là 65 microgam/m³ so với tiêu chuẩn WHO là 25 microgam/m³.
Hơn nữa, Indonesia hiện thiếu các thiết bị cần thiết để theo dõi ô nhiễm không khí. Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia chỉ vận hành một trạm giám sát chất lượng không khí ở Jakarta nằm trong Khu liên hợp thể thao Gelora Bung Karno. Trong khi đó, Cơ quan Môi trường Jakarta vận hành 5 trạm quan trắc nhưng không trạm nào trong số này cung cấp đầy đủ và kịp thời các dữ liệu cập nhật hàng ngày.
Để cải thiện tình hình ô nhiễm không khí nghiêm trọng, ngoài các biện pháp đang triển khai, chính quyền Jakarta cần phải có biện pháp nhanh chóng và cụ thể để giải quyết ô nhiễm không khí.
Trước hết, thành phố cần cung cấp đủ thiết bị giám sát chất lượng không khí. Các thiết bị không chỉ được đặt tại Jakarta mà còn ở các tỉnh lân cận Tây Java và Banten vì ô nhiễm không khí không có giới hạn.
Thứ hai, Jakarta cũng cần tiến hành nghiên cứu thường xuyên về khí thải để có thể cập nhật mức phát thải từ giao thông, nhà máy nhiệt điện, hoạt động công nghiệp và hộ gia đình. Bằng cách đó, Chính phủ Indonesia mới có thể thực hiện các biện pháp chính xác để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí.