Theo Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ chính trị, mục tiêu và tầm nhìn đến 2045, Đà Nẵng sẽ trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và TP biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á.
“Trước mắt, Đà Nẵng cần rà soát các dự án phát triển đô thị, du lịch chậm triển khai, làm cơ sở tái cấu trúc lại quy hoạch vùng phía Đông ven biển. Trên nguyên tắc tạo ra các tuyến không gian mở, không gian xanh hướng biển để dẫn được nhiều luồng sinh khí và năng lượng cho đô thị. Kiên quyết không sử dụng giải pháp lấn biển để phát triển du lịch, đô thị”.
GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nói như trên tại Tọa đàm Không gian kiến trúc cao tầng ven biển – Tầm nhìn và giải pháp, diễn ra tại Đà Nẵng ngày 4-7.
Đà Nẵng đang là một “TP biển rụt rè”
Ông Nguyễn Thế Phương, Tổng giám đốc Công ty TNHH Liên minh thiết kế quốc tế Finko, cho hay trào lưu khai thác đất ven biển một cách ào ạt là rất lãng phí. Bởi thay vì đa dạng về nguồn thu, các địa phương lại đang tạo ra sự cạnh tranh nội địa trực tiếp khi mô hình các dự án đều giống nhau.
“Đà Nẵng đã bỏ quên kinh tế biển. Sự bỏ quên này không phải là không tập trung đầu tư vào phát triển cảng biển, mà là sự phát triển và quy hoạch đô thị không hướng đến phục vụ cho một thương cảng quy mô quốc tế. Đà Nẵng là một TP biển rụt rè, trái ngược với tính cách khoáng đạt, mạnh mẽ của người dân”, ông Phương nói.
Theo ông Phương, sự khác biệt rõ nét nhất, làm nên nét đặc trưng của đô thị biển không phải là bãi tắm mà là không gian đô thị ven biển. “Nếu chỉ có bãi biển và phong cảnh đẹp, thì nên là các đô thị du lịch, với dân số và quy mô đô thị vừa phải, thiên về các khu nghỉ dưỡng thấp tầng, đan xen các vùng cảnh quan tự nhiên bảo tồn, lõi trung tâm có thể đặc hơn, cao hơn chứ không nên rộng ra. Khi đó, sự đan xen của đô thị và cảnh quan sẽ tạo ra sức hấp dẫn và môi trường sống, môi trường tự nhiên được bền vững”, ông Phương nói.
Ông Phương cũng cho rằng lõi đô thị tập trung và phát triển theo chiều cao sẽ hạn chế việc mở rộng theo chiều ngang ngốn rất nhiều quỹ đất, tiêu tốn thời gian đi lại vì có khoảng cách trong nội đô, gây khó khăn trong quản lý hành chính và môi trường.
PGS.TS Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng (Tổng hội Xây dựng Việt Nam), cho rằng cả nước còn thiếu một nghiên cứu khoa học để có thể lượng hóa một cách cụ thể hài hòa các lợi ích kinh tế so với các tác động tiêu cực, nhiều mặt của hiện tượng “những bức tường rào cao tầng” ven biển. Ông Hải cũng lưu ý xây dựng cao ốc ven biển cần tính ngay đến khí hậu, gió biển, bão, lốc để chọn thiết kế và vật liệu phù hợp.
Mọi người dân đều phải có lối ra biển
Phát biểu tại tọa đàm, TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn, cho hay để sửa sai cho những sai lầm quy hoạch trong quá khứ, Đà Nẵng đã phải đưa ra một số chương trình quy hoạch bổ sung. Tuy nhiên, dù sớm hay muộn, Đà Nẵng vẫn cần phải thực hiện quy hoạch tổng thể toàn bộ khu vực ven biển và ven sông của đô thị, để tận dụng được tối đa các lợi thế không gian sông nước của mình, bảo tồn kết hợp phát triển bền vững.
Giới thiệu tám định hướng chiến lược quy hoạch khu vực ven biển và ven sông của Đà Nẵng (theo mô hình TP New York), ông Sơn nhấn mạnh việc phải tạo kết nối tiện lợi – mở rộng kết nối công cộng ra bờ biển, bờ sông.
“Sau hàng thập niên cho phép nhiều khu resort phát triển nối tiếp nhau hàng km, không những đóng cửa đối với nhu cầu lối công cộng ra biển của người dân và khách du lịch không có nhu cầu sử dụng dịch vụ của khu resort, mà còn tạo nút thắt đóng cửa cơ hội phát triển của các vùng đất phía Tây trục đường ven biển”, ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, đến nay, không gian ven bờ sông và bờ biển tại Đà Nẵng thường chỉ được xem là cơ hội để phát triển các dự án địa ốc. Đã đến lúc các không gian đáng giá này cần được quy hoạch tốt hơn với một tầm nhìn mới, ưu tiên bảo vệ và nâng cấp giá trị môi trường xanh của không gian ven sông và ven biển. Điều này phải đặt trong mối tương quan phục vụ lợi ích công cộng, lợi ích của người dân, hài hòa với lợi ích của nhà đầu tư.
KTS. Bùi Huy Trí (chủ đồ án tuyến đường ven biển phía Đông Đà Nẵng, nay là tuyến Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp – Trường Sa), cho rằng không ai không chấp nhận việc xây cao tầng ven biển, vấn đề là chấp nhận một cách chủ động và có sự lựa chọn.
“Nhiều dự án cao tầng đang còn nhiều ý kiến tranh luận, mâu thuẫn, khác biệt trong tư duy giữa nhà quản lý và nhà đầu tư. Ngay trong hệ thống quản lý nhà nước, các tư duy vẫn còn khác nhau. Tôi là chủ đồ án tuyến đường ven biển. Các nhà hàng dọc theo Công viên Biển Đông bây giờ không hề có trong quy hoạch nhưng vẫn được mọc lên. Sự sung sướng của thực khách hay chủ nhà hàng là sự sung sướng mang tính ích kỷ. Tôi cũng thấy đau đớn lắm”, ông Trí nói.