Tăng trưởng xanh tại Việt Nam và những vấn đề đặt ra

Tăng trưởng xanh là nội dung quan trọng của phát triển bền vững và là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại, nhưng không làm ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai.

Được triển khai tại Việt Nam từ nhiều năm nay, hoạt động tăng trưởng xanh đã đạt được những kết quả tích cực ban đầu, nhưng cũng đặt ra một số thách thức trong thực tiễn. Bài viết phân tích đánh giá tổng quan về thực hiện tăng trưởng xanh tại Việt Nam và những vấn đề đặt ra cần giải quyết…

Tăng trưởng xanh là gì?

Khái niệm “tăng trưởng xanh” hiện đã được nhiều tổ chức trên thế giới đưa ra. Ủy ban Liên Hợp quốc về kinh tế – xã hội khu vực châu Á – Thái Bình Dương (UNESCAP) định nghĩa: Tăng trưởng xanh là Chiến lược để đạt được phát triển bền vững.

Tăng trưởng xanh chủ trương tăng trưởng GDP mà duy trì hoặc khôi phục lại chất lượng và tính toàn vẹn của môi trường sinh thái, đồng thời đáp ứng các nhu cầu của tất cả mọi người với mức thấp nhất có thể tác động đến môi trường. Đó là một chiến lược tìm kiếm tối đa hóa sản lượng kinh tế trong khi giảm thiểu gánh nặng về sinh thái.

Cách tiếp cận này tìm kiếm sự hài hòa về tăng trưởng kinh tế và bền vững môi trường bằng cách thúc đẩy những thay đổi cơ bản trong sản xuất và tiêu thụ của xã hội.

Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng: Tăng trưởng xanh là hiệu quả trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu tối đa ô nhiễm và các tác động môi trường, có khả năng thích ứng trước các hiểm họa thiên nhiên và vai trò của quản lý môi trường và vốn tự nhiên trong việc phòng ngừa thiên tai…

5 năm thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã có nhiều kết quả tích cực từ xây dựng cơ chế, chính sách đến nhận thức của cộng đồng về tăng trưởng xanh. (Ảnh minh họa: Internet)

Chính sách tăng trưởng xanh của Việt Nam trong thời gian qua

Tại Việt Nam, Chương trình tăng trưởng xanh được cụ thể hóa thông qua “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”. Trong đó khẳng định: Tăng trưởng xanh là sự tăng trưởng dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc nghiên cứu và áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững…

Để đảm bảo phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, Chính phủ xác định: Đẩy mạnh áp dụng rộng rãi sản xuất sạch hơn; nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, đồng thời giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, bảo vệ chất lượng môi trường, sức khỏe con người, đảm bảo phát triển bền vững; Xây dựng văn hóa tiêu dùng văn minh, hài hòa và thân thiện với thiên nhiên; Từng bước thực hiện dán nhãn sinh thái, mua sắm xanh; Phát triển thị trường sản phẩm sinh thái và sáng kiến cộng đồng về sản xuất và tiêu dùng bền vững…

Ngày 25/9/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, đề ra hai nhiệm vụ chiến lược:

Thứ nhất, xanh hoá sản xuất; thực hiện một chiến lược công nghiệp hoá sạch thông qua rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có; sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên; khuyến khích phát triển công nghệ xanh, nông nghiệp xanh.

Thứ hai, xanh hoá lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; kết hợp lối sống đẹp truyền thống với những phương tiện văn minh hiện đại.

Chiến lược tăng trưởng xanh là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng các chính sách liên quan đến kinh tế xanh ở Việt Nam trong giai đoạn tới. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh đã trở thành đường lối, quan điểm của Đảng và chính sách xuyên suốt của Nhà nước và là một nội dung căn bản của đường hướng phát triển ở Việt Nam hiện nay.

Tiếp đó, đến ngày 20/3/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 403/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020, trong đó, đề ra 4 chủ đề chính gồm: Xây dựng thể chế và kế hoạch tăng trưởng xanh tại địa phương; Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Thực hiện xanh hóa sản xuất; Thực hiện xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững.

Chuyển biến tích cực trong triển khai Chiến lược tăng trưởng xanh

Theo báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã có nhiều kết quả tích cực từ xây dựng cơ chế, chính sách đến nhận thức của cộng đồng về tăng trưởng xanh:

Một là, bước đầu hình thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cho việc triển khai thực hiện tăng trưởng xanh.

Ngày 3/6/2013, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng đã ban hành Nghị quyết số 24/NQ-TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, với nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Cùng với đó, Quốc hội đã ban hành mới, hoặc bổ sung, sửa đổi một số luật liên quan đến tăng trưởng xanh như: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Phòng chống thiên tai; Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi; Luật Khí tượng thủy văn. Một số văn bản pháp quy mới đã được xây dựng nhằm thúc đẩy thực hiện các hoạt động liên quan tới tăng trưởng xanh. Cụ thể:

– Trong lĩnh vực công nghiệp: Quy hoạch tổng thể ngành Điện, các nhà máy điện; Quy hoạch tổng thể các ngành, phân ngành công nghiệp, đặc biệt là những phân ngành và cơ sở tác động mạnh tới môi trường nhằm phát triển ngành bền vững, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải một cách hiệu quả. Đặc biệt, đã xây dựng Chiến lược Phát triển Năng lượng tái tạo ở Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050; Xây dựng khung pháp lý về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất và đời sống; Tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng tối thiểu và dán nhãn năng lượng cho các sản phẩm tư liệu sản xuất và thiết bị tiêu dùng.

– Trong lĩnh vực nông nghiệp: Đã ban hành Luật Thủy lợi, Luật Thủy sản, Luật Lâm nghiệp và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và quy định tiêu chuẩn “xanh” cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đã được ban hành ứng dụng và mang lại hiệu quả thực tế cho sản xuất, kinh doanh.

– Trong lĩnh vực xây dựng: Ngành Xây dựng đã ban hành Kế hoạch hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong sản xuất xi măng đến năm 2020 và định hướng đến 2030; Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia giai đoạn 2009 – 2020; Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030; Quy định về chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh…

– Trong lĩnh vực giao thông vận tải: Hưởng ứng Chiến lược tăng trưởng xanh, cùng với các bộ, ngành, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành kế hoạch hành động giảm phát thải khí CO2 trong hoạt động hàng không dân dụng Việt Nam giai đoạn 2016-2020.

Hai là, xây dựng kế hoạch hành động tăng trưởng xanh. Các hoạt động hoàn thiện thể chế và triển khai thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh được thực hiện thông qua việc xây dựng và ban hành kế hoạch hành động tăng trưởng xanh ở các bộ và địa phương. Thống kê cho thấy, đến hết năm 2018, đã có 7 bộ đã ban hành Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh. Đến nay, cả nước có 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cấp tỉnh, thành phố.

Ba là, thực hiện giảm cường độ phát thải khí nhà kính và tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo. Cho đến nay, việc triển khai các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính đã được triển khai rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực. Theo Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), giai đoạn 2011 – 2015, tỷ lệ năng lượng tiết kiệm của nước ta đạt 5,65%, tương đương với tổng năng lượng tiết kiệm được gần 11,3 triệu tấn dầu quy đổi (TOE). Trong đó, cường độ năng lượng của các ngành sản xuất công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng đều giảm dần, như: Ngành Thép giảm 8,09%; xi măng giảm 6,33%; dệt sợi giảm 7,32%.

Bốn là, tăng cường hoạt động xanh hóa sản xuất. Nội dung của xanh hóa sản xuất là thực hiện một chiến lược “công nghiệp hóa sạch” thông qua việc rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh với cơ cấu ngành nghề, công nghệ, trang thiết bị đảm bảo nguyên tắc thân thiện với môi trường, đầu tư phát triển vốn tự nhiên, tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm…

Một số khó khăn, thách thức đặt ra

Bên cạnh những kết quả tích cực, việc triển khai Chiến lược tăng trưởng xanh tại Việt Nam vẫn phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức cụ thể:

Thứ nhất, nhận thức của một số bộ, ngành và chính quyền địa phương về Chiến lược tăng trưởng xanh chưa rõ ràng. Theo kết quả khảo soát, đến cuối năm 2018, mới chỉ có 7 bộ, ngành và 34/63 tỉnh, thành ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh. Điều đó cho thấy, việc cụ thể hóa chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia chưa phải là một nhiệm vụ bắt buộc cần ưu tiên thực hiện ở bộ, ngành và địa phương.

Thứ hai, các dự án mà các bộ, ngành, địa phương đã, đang thực hiện liên quan đến Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đều dựa trên sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ, chưa xuất phát từ năng lực nội sinh của bộ, ngành, địa phương.

Thứ ba, hiện nay, vẫn còn có sự xung đột, trùng lặp về mục tiêu giữa các chiến lược: Chiến lược phát triển bền vững; Chiến lược quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu; Chiến lược tăng trưởng xanh…

Thứ tư, nguồn lực thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh hiện nay chưa rõ ràng, đặc biệt trong bối cảnh suy giảm kinh tế và cắt giảm đầu tư công.

Thứ năm, dù việc áp dụng, lồng ghép Chiến lược tăng trưởng xanh vào các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương đã đạt được một số thành tựu nhất định, song nhiều địa phương đang đối mặt với không ít thách thức, do thiếu các nhóm giải pháp cụ thể và chưa thật sự khả thi đối với hoàn cảnh cụ thể của địa phương.

Giải pháp thúc đẩy thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh ở Việt Nam

Để đẩy mạnh thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, thời gian tới cần tập trung các nội dung sau:

Một là, hoàn thiện khung chính sách kế hoạch và đầu tư. Cụ thể, cần hoàn thiện và sớm ban hành bộ chỉ tiêu đo lường tăng trưởng xanh cấp quốc gia của Việt Nam. Theo đó, cần bổ sung một số chỉ tiêu tăng trưởng xanh vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Chuẩn bị sẵn sàng để hoàn thiện và áp dụng bộ chỉ tiêu tăng trưởng xanh vào xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2021-2025).

Hai là, hoàn thiện khung chính sách tài chính tăng trưởng xanh. Xây dựng khung chính sách phân bổ và quản lý ngân sách quốc gia phục vụ thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, hoàn thiện khung chính sách tài chính (bao gồm: Thuế, phí, trợ giá, các quỹ, chế tài, các tiêu chí xanh, phát triển bền vững với doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán) liên quan tới thúc đẩy thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh; Xây dựng cơ chế hỗ trợ tư nhân chuẩn bị và thực hiện dự án tăng trưởng xanh.

Ba là, nghiên cứu ban hành các định mức, tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật xanh. Cùng với đó, các ngành và địa phương tiếp tục xây dựng lộ trình cụ thể các hoạt động tăng trưởng xanh và triển khai thực hiện, nhằm hoàn thành những mục tiêu đề ra vào năm 2020; Nâng cao nhận thức về tăng trưởng xanh cho các cấp lãnh đạo ở các cơ quan quản lý Nhà nước, các ngành, địa phương và khu vực DN.

TS. Nguyễn Thị Thanh Tâm – Khoa Kinh tế chính trị, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Khu vực 1


Tài liệu tham khảo:

  1. Thủ tướng Chính phủ (2012), Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12/4/2012 phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011-2020;
  2. Thủ tướng Chính phủ (2012), Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/09/2012 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050;
  3. Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Chính phủ;
  4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Ngân hàng Thế giới (2016), Báo cáo tổng quan:
  5. Việt Nam 2035 hướng tới Thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ.