Các nhà khoa học thuộc Trung tâm Khoa học hải dương và Môi trường (MARE) của đảo Sip đã tìm thấy những vết nhựa dính lên đá bên bờ biển đảo Madeira ở Bồ Đào Nha và xác nhận đây là một hình thức ô nhiễm nhựa hoàn toàn mới.
Phát hiện này được đăng trên tạp chí khoa học Science of The Total Environment mới đây.
Các nhà khoa học khẳng định lần đầu quan sát thấy hiện tượng trên vào năm 2016 và từ đó nhận thấy chúng xuất hiện ngày càng nhiều.
Họ đặt tên cho chúng là “plasticrust” (tạm dịch là vỏ nhựa) – ghép từ “plastic” (nhựa) và “crust” (vỏ).
“Lớp vỏ này có vẻ như hình thành do sự va chạm giữa các mảnh nhựa lớn với bờ đá, khiến những mảnh nhựa bám vào đá giống như rêu và địa y”, ông Ignacio Gestoso, chuyên gia sinh thái biển của MARE, giải thích.
Hiện vẫn còn quá ít nghiên cứu liên quan đến vỏ nhựa nên chưa thể lý giải chính xác chúng được hình thành như thế nào và ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển ra sao. Tuy nhiên, các phân tích ban đầu cho thấy những vết vỏ nhựa chủ yếu được cấu thành từ polyethylene (PE) – chất liệu nhựa phổ biến được dùng trong đa số các túi nhựa và vỏ bọc thực phẩm ngày nay.
Đáng chú ý, nghiên cứu chỉ ra rằng nhựa PE hiện đang bọc 10% số đá trên đảo Madeira. Ngoài ra, còn có bằng chứng cho thấy những loài vật có vỏ như hàu, ốc… vốn bám trên đá biển để ăn tảo cũng nhanh chóng thích nghi với những vỏ bọc nhựa mới nên có khả năng chúng cũng đang ăn thêm cả nhựa.
“Nhựa là một trong những hình thức ô nhiễm nghiêm trọng nhất mà Trái đất phải đối mặt ngày nay và nó cũng là mối quan tâm lớn trong bảo tồn thiên nhiên”, các nhà khoa học của trung tâm MARE khẳng định.