Hai trong số 4 con voi mang thai đã sinh con nhưng đều tử vong, trong khi số lượng voi nhà đang gồng mình phục vụ du lịch khiến công tác bảo tồn gặp nhiều khó khăn.
Trước thực trạng hàng chục năm voi nhà không thể sinh con, gần 10 năm trước, tỉnh Đắk Lắk đã thành lập Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk và ban hành nghị quyết hỗ trợ kinh phí đối với tổ chức, hộ gia đình nuôi voi sinh sản nhằm bảo tồn loài động vật này.
Một trong những mục tiêu chính là cho voi nhà sinh sản nhằm tăng số lượng ít ỏi còn lại nhưng đến nay voi con sinh ra đều chết.
Chưa sinh ra đã chết
Còn nhớ năm 2017, những người quan tâm đến loài voi xôn xao trước thông tin 1 con voi nhà có tên H’Ban Nang đã mang thai, sau khoảng 30 năm voi nhà ở Đắk Lắk “tịt ngòi”. Lúc đó, Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk cùng với các chuyên gia bảo tồn động vật quốc tế đã chuẩn bị rất chu đáo các khâu để đón voi con.
Sau nhiều tháng dài chờ đợi, đêm 8-10-2018, voi H’Ban Nang chuyển dạ nhưng voi con chết trước khi ra ngoài.
Cũng trong năm 2017, qua xét nghiệm hóc-môn sinh sản, Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk đã xác định được thời điểm rụng trứng của voi Bặc Khăm (SN 1975) nên cho giao phối với voi đực và đã mang thai. Sau đó, chủ voi đưa Bặc Khăm vào rừng để chăm sóc, nuôi dưỡng.
Theo ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, thấy voi mẹ đã lớn tuổi, lại sinh sản lần đầu nên đến thời điểm voi chuẩn bị sinh, trung tâm đã xây dựng kế hoạch để hỗ trợ kỹ thuật cho voi.
Trung tâm cũng đã mời ông Willem Schaftenar – chuyên gia đến từ Hà Lan – qua hỗ trợ cho voi Bặc Khăm. Quá trình siêu âm, các chuyên gia dự kiến voi sinh vào ngày 1-2-2019. Tuy nhiên, ngày 31-1-2019, sau khi họp gia đình, chủ voi đã không đồng ý cho các chuyên gia siêu âm xác định giờ sinh để tiêm thuốc trợ sinh mà để voi mẹ sinh tự nhiên.
Chiều 1-2-2019, voi mẹ vào lùm cây sinh 1 con voi đực nhưng voi con cũng chết trước khi ra khỏi bụng mẹ.
“Nếu được tiếp xúc, xác định thời điểm sinh thì các chuyên gia sẽ tiêm thuốc giãn nở tử cung hỗ trợ sinh sản. Có thể voi con sinh tự nhiên quá lâu nên bị chết ngạt” – ông Luân nhận định.
Theo Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, đề tài nghiên cứu khả năng sinh sản của voi nhà triển khai từ năm 2016. Bằng phương pháp lấy mẫu máu voi cái xét nghiệm để xác định thời điểm rụng trứng và thúc đẩy giao phối, gia tăng khả năng thụ thai cho voi nhà.
Hiện chỉ còn 7 con voi cái có khả năng sinh sản nên hằng tuần, trung tâm đều lấy mẫu máu đi xét nghiệm hỗ trợ sinh sản.
Ngoài 2 con voi nói trên, voi Bắc On (37 tuổi) hiện đang mang thai, dự kiến sinh vào tháng 12-2019. Bên cạnh đó, con voi H’Ban Nang sau khi sinh con không thành hiện đang có dấu hiệu mang thai trở lại.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ cho voi sinh sản và tham vấn các chuyên gia hàng đầu về voi để giải quyết vấn đề voi con sinh ra đã chết” – ông Luân cho biết thêm.
Thả voi về rừng
Trong số hơn 40 con voi nhà hiện còn, hầu hết đều phải chở khách ở các điểm du lịch trên địa bàn các huyện Buôn Đôn, huyện Lắk.
Vào những ngày lễ hoặc cuối tuần, lượng người tới đông nên những chú voi này phải gồng mình chở khách vượt sông, lội qua hồ khiến sức khỏe ngày một suy yếu.
Trước thực trạng này, mới đây, Tổ chức Động vật châu Á và Vườn Quốc gia (VQG) Yók Đôn đã ký kết thỏa thuận hỗ trợ chuyển mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi.
Theo đó, Tổ chức Động vật châu Á sẽ hỗ trợ 65.000 USD cho VQG Yók Đôn để triển khai mô hình này trong khoảng thời gian từ 2018 đến năm 2023.
VQG Yók Đôn cam kết không sử dụng 3 con voi thuộc sở hữu của vườn để tham gia các hoạt động du lịch ảnh hưởng đến sức khỏe của voi, đưa voi trở lại rừng để chúng tự do đi lại, kiếm ăn và khai thác du lịch thông qua việc quan sát, tìm hiểu cuộc sống của voi trong thiên nhiên hoang dã.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 1-7, ông Vũ Đức Giỏi, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ VQG Yók Đôn cho biết đơn vị vừa tiếp nhận 2 con voi nhà đang phục vụ chở khách tại Khu Du lịch sinh thái Bản Đôn.
Voi P’Lú (60 tuổi) và voi Bun Kon (37 tuổi) sẽ được chăn thả tự do trong rừng và không phải chở khách du lịch như trước đây.
Cũng theo ông Giỏi, trước khi được đưa vào rừng, 2 con voi này có tình trạng sức khỏe yếu, khả năng tiêu hóa thức ăn kém.
“Nếu sống trong điều kiện nuôi nhốt, phải phục vụ khách du lịch hằng ngày thì sức khỏe, tuổi thọ của voi sẽ rất kém. Nếu voi được thả vào rừng tự nhiên, tự do kiếm ăn sẽ giúp chúng cải thiện thể trạng, khỏe mạnh, sống lâu hơn” – ông Giỏi nói.
Hỗ trợ hàng trăm triệu đồng
Số lượng voi nhà ở Đắk Lắk giảm mạnh từ 500 con (năm 1982) đến nay chỉ còn hơn 40 con. Điều đáng lo ngại là trong suốt 30 năm qua, chưa có voi nhà sinh sản thành công.
Năm 2012, HĐND tỉnh Đắk Lắk ra nghị quyết về một số chính sách bảo tồn voi. Theo đó, đối với voi nhà, ngoài việc hỗ trợ 100% tiền khám, chữa bệnh khi voi sinh sản thành công, chủ voi sẽ được hỗ trợ đến 600 triệu đồng.
Đối với 2 con voi mang thai và sinh sản không thành công, UBND tỉnh Đắk Lắk đã hỗ trợ mỗi chủ voi 171 triệu đồng.