Khởi nghiệp xanh

Các nhà khởi nghiệp được kỳ vọng sẽ tìm ra các giải pháp xanh cho vấn đề biến đổi khí hậu.

Ảnh: keemia.ee.

Liệu các nhà khởi nghiệp có thể làm hành tinh này sạch hơn, xanh hơn? Đó là điều thế giới đang kỳ vọng trước những thiệt hại ngày càng nghiêm trọng do biến đổi khí hậu: mới đây Liên hiệp Quốc khuyến cáo 1 triệu chủng loài trên toàn thế giới đối mặt với tình trạng tuyệt chủng do biến đổi khí hậu và phá hủy môi sinh. Theo tổ chức này, chỉ còn 12 năm để ngăn chặn tình trạng trái đất nóng lên đến các mức độ nguy hiểm, không thể vãn hồi được.

Các doanh nhân khởi nghiệp đang được kỳ vọng sẽ tìm ra giải pháp cho vấn đề này. Họ có động lực để tích cực trong nỗ lực xanh. Trước hết, hoạt động tái chế rác thải chẳng hạn giúp mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Hơn nữa, việc cải thiện hình ảnh doanh nghiệp trước công chúng là một động lực mạnh mẽ khác thúc giục họ thay đổi theo hướng bền vững.

Tại Estonia, cựu thanh tra chính phủ Tõnis Kaasik đã quyết định thành lập một công ty sau khi “dọn sạch” một kho chất thải phóng xạ ở thành phố Đông Bắc Sillamäe.

Ông phát hiện rằng chỉ có một công ty ở vùng Baltic và Tây Bắc Âu châu tái chế pin và vì thế, vào năm 1999 ông đã thành lập Ecometal với nhiệm vụ chiết xuất axít chì từ pin.

Chất axít này được trung hòa và được sử dụng để sản xuất muối Natri Sulfat, có thể được dùng trong các loại chất tẩy và các quy trình sản xuất khác nhau.

Công ty của ông cũng hưởng lợi từ việc bán trở lại chì tái chế cho các nhà sản xuất pin.

Ecometal hiện phục vụ cho 6 quốc gia và tái chế 20.000 tấn pin mỗi năm, nấu chảy chúng để sản xuất chì và chì hợp kim có độ tinh khiết tới 99,99%. Hiện Ecometal đã bành trướng sang lĩnh vực tái chế hàng điện tử, nhựa và xuất khẩu trên khắp châu Âu và Trung Đông. Ecometal hiện tuyển dụng 150 nhân viên với 3,5 triệu euro doanh thu hằng năm.

Ông Kaasik cho biết với tư cách là thành viên EU, Estonia đã tích cực đẩy mạnh tái chế nhưng không phải tất cả mọi chính phủ trong khối đều năng nổ như thế. “Các quy định là như nhau nhưng triển khai lại khác biệt ở những quốc gia khác nhau”, ông Kaasik nói. Tuy nhiên, mối quan tâm đối với vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng và đó là một dấu hiệu tích cực.

Gần đây, dư luận đã tỏ ra lo lắng về vấn đề rác thải nhựa sau những hình ảnh được lan truyền rộng rãi về các chú rùa bị mắc kẹt trong túi nhựa hay những con chim biển chết vì ăn phải hạt nhựa. Giáo sư Erwin Reisner, đứng đầu Trung tâm các cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn nhằm loại bỏ chất thải nhựa, thuộc Đại học Cambridge ở Anh Quốc, cho biết hầu như không có bao nhiêu trong số ước tính 8 tỉ tấn nhựa được sản xuất kể từ thập niên 1950 là đã được tái chế. Trung tâm của ông đang làm việc với gần 20 công ty để tìm các giải pháp thay thế cho loại nhựa truyền thống hoặc tìm kiếm những phương pháp tái sử dụng chúng.


“Có rất nhiều sự quan tâm. Nhưng chúng tôi không có nguồn lực để hoàn thành tất cả mọi việc”, ông Reisner nói. Vì thế, ông kỳ vọng các doanh nhân khởi nghiệp có thể tìm ra những giải pháp cải tiến nhưng hành động của chính phủ cũng rất cần thiết trong cuộc chiến bảo vệ môi trường.

“Nhựa là nạn nhân từ thành công của chính mình. Mức tăng thuế đối với nhựa sẽ là một bước đi đúng để khuyến khích việc tái chế”, ông Reisner nói.

Một doanh nghiệp ở Cộng hòa Séc đã và đang triển khai những biện pháp nhằm cắt giảm lượng nhựa sử dụng.

Vào năm 1998, cặp vợ chồng František Fabičovic and Radka Prokopová đã thành lập Alca Plast chuyên sản xuất các sản phẩm như bồn cầu và ống thoát nước nhà tắm.

Bà Prokopová cho biết họ đang tái chế rác thải từ nhà máy và hy vọng sẽ tiến tới mục tiêu 100% tái chế các sản phẩm của họ, vốn được làm từ nhựa hoặc thép không gỉ.

Tại Nga, Igor Rybakov, đồng sáng lập Technonicol, xem chất thải của Công ty là một phần của chiến lược “win, win, win”, tức lợi cho cả doanh nghiệp, người dân Nga và cả hành tinh. “Đó là cách dễ dàng nhất để giảm chi phí”, ông nói. Công ty mà ông đồng sáng lập với Sergey Kolesnikov hiện là nhà sản xuất lớn thứ 2 thế giới về vật liệu sợi nhẹ cách điện, một loại sợi được sản xuất từ đá núi lửa nóng chảy được sử dụng để cách điện, phòng cháy, cách âm và chống rung. Hai nhà sáng lập của Technonicol bảo đảm rằng vật liệu thừa của nhà máy được tái sử dụng cùng với gạch và rác thải khác.

Họ cũng đã mở một dịch vụ thu gom rác thải, đặc biệt là nhựa polystyrene. Ông Kolesnikov kỳ vọng tăng năng lực tái chế nhựa polystyrene tại Nga từ 5.000 tấn hằng năm lên ít nhất 50.000 tấn. Technonicol vận hành 53 nhà máy tại 7 quốc gia với 6 trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm toàn cầu mà tại đó đã phát triển một ngôi nhà giá cả phải chăng chỉ tiêu thụ phân nửa năng lượng so với các căn nhà tiêu chuẩn. “Tương lai thật tuyệt vời”, ông Rybakov nói.

Nguồn FT