Thanh tra đến đâu sai phạm đến đó là thực trạng đang xảy ra tại nhiều Ban quản lý rừng phòng hộ và Công ty lâm nghiệp tại các tỉnh Tây Nguyên.
Cá biệt có đơn vị chủ rừng để mất hơn 9.000 ha khi có kết luận thanh tra lại không quy được trách nhiệm và hệ quả để lại là rừng vẫn mất, đất vẫn bị lấn chiếm. Phải chăng đã đến lúc các ngành chức năng cần tạo ra “bàn tay thép” để thu hồi đất rừng bị lấn chiếm trái phép.
Tại tỉnh Gia Lai trong năm 2018, qua thanh tra cơ quan chức năng đã phát hiện 6 Ban quản lí bảo vệ rừng để mất hơn 5.000 ha rừng. Trong đó, Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ để mất hơn 2.400ha rừng, sử dụng trái phép gần 95.000m2 đất lâm nghiệp; BQL rừng phòng hộ Ia Grai để mất gần 400ha rừng; BQL rừng phòng hộ Bắc An Khê để rừng bị mất, lấn chiếm hơn 1.266ha và BQL rừng phòng hộ Ya Hội để mất, bị xâm canh hơn 800ha.
Cùng với đó, BQL rừng phòng hộ Ayun Pa để mất hơn 500ha rừng và chi sai hơn 1,6 tỷ đồng. Gần đây là sai phạm tại BQL rừng phòng hộ Đắk Đoa được phát hiện với số tiền chi sai hơn 5 tỷ đồng. Sau thanh tra, hồ sơ sai phạm của nhiều BQL rừng phòng hộ như Ya Hội, Bắc An Khê, Ia Grai, Bắc Biển Hồ, Ayun Pa … đã được chuyển sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai để điều tra, xử lý.
Mới đây, Thanh tra tỉnh Gia Lai lại vừa công bố kết luận thanh tra tại BQL rừng phòng hộ Đức Cơ và phát hiện đơn vị này để mất hơn 9.000 ha rừng. Cụ thể, từ năm 2011 tới 2014 mất gần 6.000ha. Từ 2017 tới nay, đơn vị tiếp tục để mất hơn 3.000ha rừng.
Năm 2019 sẽ có 7 BQL rừng tiếp tục nằm trong kế hoạch thanh tra. Rõ ràng việc thanh tra không chỉ làm rõ công tác chi tiêu tài chính mà qua thanh tra các ngành chức năng còn bóc tách phần diện tích rừng bị mất, lấn chiếm. Tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là thanh tra xong khi có kết luận sai trái, mất rừng nhưng hầu hết các đơn vị chủ rừng chỉ bị kiểm điểm kỷ luật. Việc thu hồi tiền của thất thoát, đất rừng bị lấn chiếm thì các ngành chức năng vẫn còn nhiều lấn cấn.
Theo kế hoạch từ năm 2017-2019, tỉnh Gia Lai dự kiến thu hồi khoảng 30 ngàn ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm để đưa vào trồng rừng. Đến nay, dù chưa số liệu thông kê về diện tích rừng bị lấn chiếm đã được thu hồi, xong nhiều ngành chức năng vẫn đang kêu khó.
Lý do mà các họ đưa ra là phần lớn diện tích bị lấn chiếm là người đồng bào; vướng các văn bản hướng dẫn, rồi các số liệu thống kê, đo đạc giao nhận khoán vẫn chưa thống nhất và lấn cấn nhất hiện nay chính là khi thu hồi sẽ phát sinh khiếu kiện.
Là địa phương có nhiều diện tích rừng bị lấn chiếm, ông Nguyễn Anh Dũng – Chủ tịch UBND huyện Chư Prông (Gia Lai) cho rằng, thanh tra xong khi có kết quả không chỉ để ngắm, mà cần quyết liệt hành động. Đất rừng không tự mất đi được, do buông lỏng công tác quản lí để người dân lấn chiếm rồi sang nhượng trái phép. Họ canh tác cà phê, cao su, điều…giờ thu hồi phải có” bàn tay thép”.
“Hiện luật pháp đã quy định rõ ràng rồi, nhưng muốn làm thì phải có cơ chế, phải không nể nang, né tránh, sợ khiếu kiện, có như vậy mới thu hồi lại được đất và tạo ra động lực để thực hiện”, ông Dũng cho biết.