Việt Nam đang có nguy cơ và phải chịu ảnh hưởng lớn từ rác thải nhựa. Trước thực tế này, Bộ Tài nguyên Môi trường (TN&MT) đang nghiên cứu tham mưu bổ sung bao bì nhựa vào đối tượng chịu thuế và nâng cao mức thuế suất để hạn chế việc sản xuất, tiêu dùng.
Theo thống kê của Bộ TN&MT, Việt Nam mỗi năm phát thải khoảng 25 triệu tấn rác thải sinh hoạt, trong đó rác thải nhựa khoảng 2 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, việc thu hồi rác thải nhựa hiện nay chưa cao, chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Rác thải hiện chủ yếu được tập trung, xử lý tại các bãi rác và một phần trôi nổi ra biển.
Trước thực trạng này, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TN&MT xây dựng những đề án, kế hoạch nhằm giảm lượng rác thải nhựa. Ông Hoàng Văn Thức – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, Bộ đang tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật liên quan đến quản lý rác thải nhựa.
Trong định hướng sửa Luật bảo vệ Môi trường sẽ được Chính phủ trình Quốc hội vào tháng 5/2020 và dự kiến sẽ thông qua Luật này vào cuối năm 2020, Bộ TN&MT tham mưu điều chỉnh 8 nội dung chính của luật, trong đó có những nội dung liên quan đến rác thải nhựa.
“Quan điểm sửa luật có đưa ra những điều cấm, những chế tài phạt rõ ràng hơn. Trong đó, có những nội dung hướng dẫn định danh nền kinh tế tuần hoàn là như thế nào, khi bước sang nền kinh tế tuần hoàn thì những sản phẩm thải bỏ từ công đoạn này sẽ được sử dụng ở giai đoạn khác ra sao để giảm lượng phát thải ra môi trường” – ông Hoàng Văn Thức cho biết.
Đại diện Bộ TN&MT cũng cho hay, Bộ này đang đẩy nhanh tiến độ trình Chính phủ điều chỉnh Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg của Chính phủ về danh mục phế liệu được nhập khẩu. Trong đó đối với phế liệu nhựa chỉ cho phép nhập khẩu phế liệu nhựa có giá trị cao.
Bộ cũng nghiên cứu tham mưu bổ sung đưa bao bì nhựa vào đối tượng chịu thuế và nâng cao mức thuế suất để hạn chế việc sản xuất, tiêu dùng. Đồng thời, tăng thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilon khó phân hủy, bổ sung quy định túi nilon thân thiện với môi trường là đối tượng được miễn thuế bảo vệ môi trường, ưu đãi cho các hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong nước và quốc tế, Việt Nam đang là quốc gia có lượng rác thải nhựa lớn, ảnh hưởng đế môi trường. Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam Virginia B.Foote cho rằng, Việt Nam là quốc gia có lượng rác thải nhựa lớn nên cần nền kinh tế tái tạo, sử dụng chất thải hợp lý để tạo sự phát triển bền vững cho cộng đồng doanh nghiệp tư nhân.
Theo Luật sư Hà Huy Phong – Công ty Luật Inteco, việc tăng thuế để hạn chế sản xuất và tiêu dùng với các vật liệu thiếu thân thiện với môi trường như nhựa, túi nilon… là cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm nữa là phải có chính sách để khuyến khích các DN sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế. Ngoài ra, các đề xuất về thuế cũng cần tránh đổ gắng nặng lên vai người dân vì người tiêu dùng là đối tượng cuối cùng sẽ bị tác động bởi việc tăng thuế.