Ngày 28/6, lãnh đạo 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cùng với 8 quốc gia khách mời, trong đó có Việt Nam, nhóm họp ở Osaka, Nhật Bản.
Hội nghị cấp cao G20 này diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang tăng trưởng chậm dần, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chưa có hồi kết và cạnh tranh địa chiến lược giữa các nước lớn. Điều này đặt ra những thách thức không nhỏ cho các nền kinh tế G20, vốn được cho giữ vai trò “đầu tàu” dẫn dắt nền kinh tế thế giới.
Những tranh chấp thương mại cùng các biện pháp bảo hộ mậu dịch đang có xu hướng gia tăng trên thế giới, ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu, thương mại và đầu tư… đang là yếu tố chủ chốt chi phối hội nghị năm nay.
Đây sẽ là chủ đề của phiên thảo luận đầu tiên của hội nghị , trong đó các nhà lãnh đạo sẽ đánh giá những rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu khi mà các ngân hàng trung ương lớn đang áp dụng các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ, đồng thời tái khẳng định quyết tâm sử dụng tất cả các công cụ chính sách để đảm bảo tăng trưởng bao trùm và bền vững.
Nước chủ nhà Nhật Bản cũng kỳ vọng các nhà lãnh đạo G20 có thể nhất trí về tầm quan trọng của thương mại tự do và công bằng cũng như việc thúc đẩy quá trình cải tổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Tuy nhiên, kết quả các cuộc họp cấp bộ trưởng G20 từ đầu năm đang phát đi những tín hiệu bất ổn định. Nhiều khả năng các nhà lãnh đạo G20 sẽ không đưa ra cam kết về chống chủ nghĩa bảo hộ.
Điều này khác hẳn với hội nghị đầu tiên được tổ chức vào tháng 11/2008 ở Washington, Mỹ chỉ vài tháng sau sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers – một trong những dấu mốc quan trọng đánh dấu sự khởi đầu của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu sau đó.
Trong tuyên bố chung năm đó, các nhà lãnh đạo G20 đã khẳng định một cách rõ ràng rằng: “Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc loại bỏ chủ nghĩa bảo hộ thương mại và không hướng nội trong thời điểm bất ổn tài chính toàn cầu”.
Trên thực tế, việc G20 không thể đưa ra cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ là điều không khó dự đoán, bởi cũng giống như Hội nghị cấp cao G20 ở Buenos Aires (Argentina) năm ngoái, Washington sẽ phản đối bất cứ cam kết nào như vậy.
Kể từ khi lên nắm quyền đầu năm 2017, với khẩu hiệu “Nước Mỹ trước tiên”, Tổng thống Donald Trump đã khiến chủ nghĩa bảo hộ hồi sinh khi quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 11 nước khác và tạm ngừng đàm phán về hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) với Liên minh châu Âu (EU), đồng thời yêu cầu Mexico và Canada đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Ông cũng tăng thuế đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc, dẫn tới các hành động trả đũa từ phía Bắc Kinh, cũng như dùng “lá bài thuế quan” để gia tăng sức ép nhằm vào hàng loạt đồng minh và đối tác như EU và các nước thành viên hay Nhật Bản…
Sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang được cảnh báo là mối đe dọa hàng đầu đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, điều mà đa số các nền kinh tế thành viên G20 không mong muốn.
Ưu tiên hàng đầu của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lần này là nhấn mạnh với các nhà lãnh đạo khác sự cần thiết phải duy trì một hệ thống thương mại đa phương dựa trên các quy tắc. Phát biểu trước hội nghị, ông nói: “Chúng tôi muốn tổ chức một hội nghị với trọng tâm là những vấn đề mà chúng tôi có thể nhất trí và hợp tác với nhau, hơn là làm nổi bật những bất đồng”.
Một chủ đề cũng chi phối và được cho sẽ gây căng thẳng tại hội nghị năm nay, là việc cải tổ WTO. Nhật Bản là một trong những nước đi đầu trong các nỗ lực cải tổ tổ chức quan trọng nhất về thương mại này.
Hồi đầu tháng 5, Nhật Bản đã đưa ra các đề xuất cải tổ WTO, trong đó có việc tổ chức các cuộc đối thoại định kỳ giữa các thành viên WTO và các thành viên Cơ quan Phúc thẩm WTO và đảm bảo rằng các quyết định của các cơ quan giải quyết tranh chấp khác sẽ không bị trói buộc bởi phán quyết của Cơ quan Phúc thẩm.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Thương mại và Kinh tế số vào đầu tháng 6, các bộ trưởng đã nhất trí cho rằng “cần phải hành động để cải thiện hệ thống xử lý tranh chấp thương mại của WTO”.
Đây là lần đầu tiên G20 đề cập tới vấn đề cải tổ hệ thống xử lý tranh chấp thương mại trong tổ chức quốc tế này. Tuy nhiên, các thành viên G20 hiện đang có quan điểm khác biệt về cách thức cải tổ WTO.
Mặc dù cũng chỉ trích Cơ quan Phúc thẩm WTO như Nhật Bản, nhưng Mỹ đã từ chối ủng hộ việc bổ nhiệm hoặc tái bổ nhiệm các thành viên của cơ quan này. Kết quả là cơ quan có cơ cấu 7 thành viên này hiện chỉ có 3 thành viên – con số tối thiểu để tổ chức các phiên phúc thẩm.
EU đã chỉ trích quan điểm này của Washington, trong khi Trung Quốc lại kêu gọi kéo dài nhiệm kỳ cho các thành viên Cơ quan Phúc thẩm. Sự khác biệt về quan điểm giữa các nền kinh tế thành viên G20 có thể gây khó khăn cho việc xây dựng dự thảo văn kiện.
Một chủ đề khác được nước chủ nhà ưu tiên là việc xây dựng các quy tắc quốc tế để khai thác tiềm năng của nền kinh tế số và đảm bảo sự tự do luân chuyển dữ liệu xuyên biên giới thông qua việc xây dựng một cơ chế quốc tế. Tokyo cho rằng các giao dịch dữ liệu xuyên biên giới đang trở thành một ngành kinh doanh phổ biến trên thế giới và có thể sẽ trở thành một động lực tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
Tuy nhiên, cùng với tự do hóa thương mại, đây là vấn đề gây tranh cãi tại G20 khi Mỹ, nơi tập trung nhiều “ông lớn” về công nghệ thông tin, có xu hướng muốn để từng công ty tự quyết định, trong khi EU lại nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ thông tin cá nhân, còn Trung Quốc đang kiểm soát gắt gao việc chuyển giao thông tin cá nhân và dữ liệu công nghiệp quan trọng.
Giới chuyên gia hy vọng tại sự kiện bên lề Hội nghị cấp cao G20 về kinh tế số, các nhà lãnh đạo có thể sẽ nhất trí thiết lập Osaka Track, một khuôn khổ cho các cuộc thảo luận đa phương hướng tới xây dựng các quy tắc về quản trị dữ liệu trong nền kinh tế số, và có thể sẽ nhất trí xây dựng quy tắc quốc tế mới về thuế đối với các “ông lớn” công nghệ thông tin trên thế giới như Google và Amazon.
Liên quan các bất bình đẳng trong xã hội, hội nghị sẽ thảo luận chủ đề về tăng cường vai trò của phụ nữ, tập trung vào ba vấn đề gồm: phụ nữ tham gia lao động, giáo dục-đào tạo cho phụ nữ và phụ nữ lãnh đạo doanh nghiệp.
Nhật Bản cũng muốn thúc đẩy các thảo luận về vấn đề biến đổi khí hậu, môi trường và năng lượng, với đề xuất xây dựng một khuôn khổ quốc tế nhằm thực hiện kế hoạch hành động để giảm việc sử dụng túi ni lông, thúc đẩy việc tái chế và giảm rác thải nhựa mà các nhà lãnh đạo G20 đã thông qua tại hội nghị ở Đức năm 2017.
Ở Osaka, Nhật Bản hy vọng các nhà lãnh đạo G20 sẽ thảo luận về các biện pháp ngăn chặn việc thải rác nhựa ra đại dương.
Có thể thấy, trong một môi trường quốc tế phức tạp và biến đổi không ngừng như hiện nay, thách thức của các nền kinh tế G20 là dung hòa được những quan điểm trái chiều để có thể cùng phối hợp đưa nền kinh tế toàn cầu vượt qua giai đoạn bất ổn, từ đó duy trì tăng trưởng bền vững và bao trùm. Bởi vậy, đây cũng là cơ hội để G20 thể hiện trách nhiệm và khẳng định vai trò của mình, với tư cách là những nền kinh tế có tầm ảnh hưởng lớn trên trường quốc tế.
Năm nay, Việt Nam tham dự với tư cách khách mời đặc biệt, đánh dấu lần tham gia thứ tư của Việt Nam trong vòng 10 năm qua ở diễn đàn quốc tế quan trọng này kể từ năm 2010.
Việc Việt Nam nhiều lần được mời tham dự hội nghị cấp cao G20 không những thể hiện vị thế của Việt Nam ngày càng được cộng đồng quốc tế công nhận và đề cao, mà còn chứng minh rằng Việt Nam đang chủ động, tích cực phối hợp với các nước trong giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Từ những lần tham gia trước, Việt Nam đã có những đề xuất, sáng kiến xây dựng đối với các vấn đề chung của G20 nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung.
Các vấn đề mà Nhật Bản đưa ra thảo luận ở hội nghị lần này đều liên quan mật thiết tới lợi ích của Việt Nam. Mặc dù gia nhập WTO muộn nhưng khi tham gia, Việt Nam đã đóng góp xây dựng và có trách nhiệm, tích cực ủng hộ tự do hóa thương mại dựa trên luật lệ.
Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp, tính đến tháng 4/2019, Việt Nam đã tham gia 11 hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, 1 FTA đã ký nhưng chưa có hiệu lực và 1 FTA chuẩn bị ký với EU vài ngày tới, cùng với 3 FTA đang trong quá trình đàm phán.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam xác định xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số là một trong những ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn 2016-2020 để tạo ra những nền móng vững chắc cho việc chuyển đổi số toàn diện trong giai đoạn 2021-2030.
Việt Nam cũng là một trong những nước đi đầu về tăng cường vai trò của phụ nữ trong xã hội, và với việc xác định “phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển”, Việt Nam hết sức quan tâm tới việc xử lý rác thải nhựa trên biển.
Với tư cách là khách mời đặc biệt của G20 năm nay và năm tới Việt Nam sẽ đảm đương cương vị ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 cũng như Chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, có thể nói Việt Nam đang tiếp tục khẳng định là đối tác đáng tin cậy trong các vấn đề toàn cầu.