Nhập khẩu (NK) gỗ nguyên liệu từ châu Phi đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, sẽ là rào cản trong việc đáp ứng các quy định về tính hợp pháp của gỗ trong Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU).
Nhập khẩu tăng nhanh
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2018 lượng gỗ NK từ châu Phi chiếm 24% trong tổng lượng gỗ tròn và gỗ xẻ NK vào Việt Nam. Con số này đã tăng lên 26% trong 4 tháng đầu năm 2019. Gỗ nguyên liệu NK từ châu Phi đã và đang trở nên ngày càng quan trọng đối với Việt Nam.
Theo ông Tô Xuân Phúc – chuyên gia Tổ chức Forest Trends, một trong những lý do cơ bản khiến lượng gỗ tròn NK từ châu Phi vào Việt Nam lớn là do các loại gỗ từ nguồn này có mức giá rất cạnh tranh, khoảng 300 – 400 USD mỗi m3 theo giá khai báo tại cảng NK. Cạnh đó, những thay đổi trong chính sách quản lý tài nguyên rừng tại Việt Nam và một số quốc gia cung gỗ nhiệt đới truyền thống cho Việt Nam như Lào và Campuchia cũng làm cho cung gỗ từ nguồn châu Phi tăng nhanh chóng.
Một trong những lý do nữa khiến cầu gỗ châu Phi có xu hướng tăng ổn định bởi hầu hết các loài gỗ NK từ nguồn này đều được gọi bằng các tên của các loài gỗ quý, như hương, gõ, cẩm… Việc sử dụng tên gọi này đã làm cho gỗ châu Phi trở thành thân thuộc với nhiều người tiêu dùng Việt Nam, góp phần mở rộng nhu cầu tiêu thụ các loại gỗ NK từ nguồn này. Cùng với đó, một số doanh nghiệp (DN) lớn của Việt Nam đã và đang tiếp tục mở các xưởng xẻ tại các quốc gia cung gỗ chính cho Việt Nam như Cameroon, Gabon…
Tìm biện pháp giảm rủi ro
Ông Nguyễn Tôn Quyền – Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam – cho hay, các rủi ro hiện tại trong nguồn cung gỗ nguyên liệu từ châu Phi sẽ là những rào cản rất lớn trong việc đáp ứng với các quy định về tính hợp pháp của gỗ trong VPA/FLEGT.
Theo ông, tại Việt Nam, từ người mua gỗ tới người tiêu thụ các sản phẩm gỗ từ nguồn này hầu như không nắm được thông tin về nguồn cung gỗ. Việc thiếu thông tin đồng nghĩa với việc không thể truy xuất nguồn gốc gỗ từ nguồn này.
Mặt khác, chính sách quản lý tài nguyên của nhiều quốc gia châu Phi có nhiều bất cập, không thống nhất và thậm chí xung đột lẫn nhau… điều này làm phát sinh rủi ro về tính pháp lý của gỗ nguyên liệu từ nguồn này….
Chính phủ Việt Nam đưa ra lộ trình trong 2-3 năm tới hệ thống đảm bảo tính hợp pháp của gỗ (VNTLAS) sẽ được đưa vào vận hành. Khi đó, các sản phẩm gỗ cung ra tất cả các thị trường là các sản phẩm hợp pháp.
Ông Nguyễn Tôn Quyền cho rằng, vận hành hệ thống VNTLAS hiệu quả trong tương lai đòi hỏi các cơ quan quản lý của Việt Nam cần khởi động ngay các hoạt động nhằm giảm rủi ro từ các chuỗi cung này. Các hoạt động quan trọng cần tiến hành càng sớm càng tốt.
Theo đó, cần bắt đầu từ việc thu thập thông tin về các quy định pháp lý về quản lý lâm nghiệp, khai thác gỗ, chế biến, thương mại và các quy định khác có liên quan như lao động, môi trường của các quốc gia châu Phi hiện cung gỗ cho Việt Nam…
Năm 2018 Việt Nam đã chi 515 triệu USD cho NK gỗ từ châu Phi, tăng 19 triệu USD (3,9%) so với năm 2017. Đến nay, Việt Nam là nước NK gỗ nguyên liệu từ châu Phi lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc. |