Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels đã không thể xác định mục tiêu giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính về mức 0% vào năm 2050.
Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra tại Brussels (Bỉ) ngày 20/6 đã thất bại trong việc xác định mục tiêu giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính về mức 0% vào năm 2050, do vấp phải sự phản đối của Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Séc – những quốc gia vốn phụ thuộc nhiều vào than đá.
Theo phóng viên tại Brussels, đa số lãnh đạo các nước EU tán thành mục tiêu đưa lượng khí phát thải về mức 0% vào năm 2050, dưới áp lực của người dân và nhiều phong trào chính trị vì cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thúc đẩy một thỏa thuận về vấn đề trên khi lần đầu tiên tán thành mục tiêu để EU không tạo ra khí phát thải nhiều hơn mức hấp thụ vào năm 2050.
Trong khi đó, các nước Đông Âu muốn biết quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh sẽ được tài trợ ra sao và quá trình chuyển đổi này có được ngân sách EU hỗ trợ hay không. Phía Ba Lan cho biết nước này chưa thể đồng ý nếu không biết cụ thể về cơ chế bồi thường.
Việc các nhà lãnh đạo EU không đạt được đồng thuận đã khiến nhiều tổ chức môi trường như Greenpeace và nhóm đảng Xanh trong Nghị viện châu Âu (EP) vô cùng bất bình. Tuy nhiên, một thành viên của phái đoàn Pháp đánh giá, việc đa số quốc gia EU nhất trí (24 nước) đã là một tin tốt lành và điều quan trọng là EU đã không nhượng bộ mục tiêu năm 2050.
Trước đó, nhiều ý kiến cho rằng EU khó có thể đi đến một thỏa thuận trong tuần này và nhiều khả năng sẽ chỉ đạt được tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 12.
Nhiệm vụ thực hiện mục tiêu năm 2050 sẽ thuộc về cả các quốc gia thành viên và Ủy ban châu Âu (EC). Về mặt chiến lược, đây là nội dung quan trọng bậc nhất của nhiệm kỳ EC trong 5 năm tới.