Theo cuộc điều tra toàn cầu của tờ The Guardian, Anh đã phát hiện hàng trăm nghìn tấn nhựa Mỹ được chuyển tới nhiều nước đang phát triển để tận dụng nguồn lao động giá rẻ.
Sau khi Trung Quốc đưa ra lệnh cấm nhập mọi loại rác thải nhựa từ cuối năm 2017, các nhà tái chế Mỹ đã sớm tìm thấy những người mua và điểm đến mới cho rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa của họ.
Bắt đầu từ cuối năm 2017 và tăng mạnh trong năm 2018, Malaysia và các quốc gia khác ở Đông Nam Á đã tràn ngập nhựa tái chế từ Mỹ. Việc nhập khẩu rác thải nhựa từ các quốc gia phát triển khác như Anh, Đức, Nhật Bản và Úc cũng tăng vọt.
Năm 2018, 68.000 container vận chuyển nhựa tái chế từ Mỹ được xuất sang các nước đang phát triển, nơi xử lý hơn 70% rác thải nhựa của chính nước đó. Các điểm đến của hàng nghìn tấn rác thải mới nhất để xử lý nhựa tái chế Mỹ là một số quốc gia như Bangladesh, Lào, Ethiopia, Senegal, những nơi cung cấp lao động giá rẻ và quy định bảo vệ môi trường chưa thực sự nghiêm ngặt.
Người dân tại Mỹ và châu Âu đều tin rằng khi họ phân loại rác thải thì các công ty thu gom sẽ tiến hành xử lý đúng cách. Nhưng những gì đang diễn ra ở Malaysia và các quốc gia đang phát triển khác đã cho thấy hệ thống tái chế rác của các quốc gia phương Tây thực sự như thế nào.
Mặc dù các doanh nghiệp Mỹ cũng đưa ra những lời hứa về việc giảm chất thải và thúc đẩy tái chế rác thải, nhưng họ thường không biết các sản phẩm và bao bì đã qua sử dụng của họ cuối cùng sẽ nằm ở đâu. Cụ thể, Walmart đã tuyên bố sẽ giảm chất thải và đầu tư vào hệ thống tái chế đã không trả lời được những câu hỏi về kiện hàng rác thải của nhãn hàng này đã được tìm thấy ở Malaysia.
Lí giải điều này, Jerry Powell, biên tập viên của ấn phẩm Resource Rec Waste cho biết, thường các doanh nghiệp không có hệ thống giám sát chặt chẽ khâu xử lý rác sau khi đã phân loại và vận chuyển sang những công ty tái chế rác tại địa phương. “Sau khi bàn giao những gì đã được phân loại, các doanh nghiệp sẽ không tiếp tục theo dõi rác thải của họ sẽ được làm gì tiếp theo”, ông nhận định.
Do đó, những bãi rác với đầy rác thải của một số quốc gia phương Tây đã xuất hiện trên khắp Đông Nam Á trong những tháng gần đây. Vào tháng 1 và tháng 2/2019, HuffPost cũng đã tiến hành cuộc điều tra đến một số bãi rác ở Malaysia để xem điều gì thực sự xảy ra với phần lớn rác thải nhựa có nguồn gốc từ Mỹ và các quốc gia giàu có khác.
Năm ngoái, Malaysia đã trở thành nhà nhập khẩu phế liệu nhựa lớn nhất thế giới khi nhận hàng trăm triệu tấn rác thải từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và các nơi khác. Các lô hàng nhựa nhập khẩu đang chất đống tại các cảng tại Malaysia và một ngành công nghiệp tái chế phi pháp mạnh mẽ đã lan rộng trên toàn quốc, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự an toàn của người dân Malaysia.
Điều này xảy ra do phần lớn rác thải do các nước phương Tây xuất khẩu đều là nhựa ô nhiễm chứa thực phẩm hoặc chất bẩn, hay nhựa không thể tái chế. Do đó, các quốc gia đang phát triển như khu vực Đông Nam Á thường không thể xử lý đúng cách và thường để tự phân hủy hoặc sử dụng các phương pháp truyền thống như chôn lấp, đốt rác gây ảnh hưởng đến môi trường.
Một nghiên cứu do Jenna Jambeck, chuyên gia đại học Georgia cho thấy Malaysia, nước nhận nhiều rác nhựa của Mỹ nhất sau lệnh cấm của Trung Quốc, không thể xử lý 55% rác nhựa trong nước, nghĩa là rác bị đổ thẳng ra biển hoặc chôn lấp không đúng cách.
Và khi những quốc gia như Việt Nam, Malaysia và Thái Lan cấm nhập khẩu, rác nhựa tìm đường sang đất nước mới. Các lô hàng bắt đầu chuyển sang Campuchia, Lào, Ghana, Ethiopia, Kenya và Senegal, nơi trước đây chưa từng xử lý rác nhựa Mỹ.
Trong nhiều tháng, tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về cuộc khủng hoảng nhựa Malaysia với lời kêu gọi “Đông Nam Á không phải là bãi rác của thế giới”. Theo Liên Hợp Quốc, hầu như tất cả các quốc gia khác trên thế giới đã đồng ý ký kết một thỏa thuận nhằm hạn chế các lô hàng chất thải nhựa khó tái chế đến các nước đang phát triển.
Khi dân số thế giới tiếp tục tăng vọt, nhu cầu giảm đáng kể tiêu thụ nhựa sẽ trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, cô nói. Một cách để đạt được điều này là tìm các giải pháp thay thế khả thi, bền vững hơn cho vật liệu phổ biến; cải thiện công nghệ tái chế và cơ sở hạ tầng trên toàn thế giới.