Quảng Ninh sẽ dần dần hạn chế và tiến tới đóng cửa, không cấp phép cho các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động kinh doanh đá vôi, sét, cát… theo lộ trình đã đề ra.
Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh – Cao Tường Huy tại buổi làm việc với Đoàn công tác BCĐ 138 Chính phủ về phòng, chống tội phạm trong hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản tại Quảng Ninh.
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, đồng thời góp phần thực hiện thành công chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, năm 2013 UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành quy hoạch 1160, quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và khoáng sản phân tán nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh, hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, tiêu thụ đất, đá, cát, sỏi… trái phép đã được kiểm soát toàn diện, không phát sinh mới các dự án kinh tế – xã hội trá hình để khai thác khoáng sản. Trong 5 năm (2014 – 2018), các cơ quan chức năng đã phát hiện 831 vụ vi phạm, tịch thu trên 174.000m3 cát, 557m3 đá, 69m3 đất sét, xử phạt vi phạm hành chính gần 15.600 triệu đồng.
Ông Cao Tường Huy – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh đã gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh, rõ nét về công tác này ở địa phương. Quan điểm chỉ đạo của tỉnh Quảng Ninh là dần dần hạn chế và tiến tới đóng cửa, không cấp phép cho các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động kinh doanh đá vôi, sét, cát… theo lộ trình đã đề ra.
Thực tế tại Quảng Ninh có nhiều nhà máy sản xuất gạch ngói đang hoạt động từ lâu nhưng không có mỏ sét: Công ty Phát triển vật liệu xây dựng Đầm Hà tại huyện Đầm Hà, Nhà máy gạch Tràng Bạch của Công ty CP gốm xây dựng Yên Thọ, Nhà máy gạch Xuân Sơn của Công ty TNHH Thuận Thành, Nhà máy gạch của Công ty CP Sông Hồng 12 tại phường Xuân Sơn, TX Đông Triều…
Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp phải mua nguyên liệu sét từ các doanh nghiệp được cấp phép khai thác nhưng chưa đầu tư nhà máy chế biến hoặc từ nguồn trôi nổi, không rõ nguồn gốc, hoặc thu mua của một số tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có thu hồi sét trong quá trình cải tạo vườn đồi, đào ao nuôi trồng thủy sản… gây thất thu cho ngân sách nhà nước, khó khăn trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.
Hơn nữa, Quảng Ninh có hơn 600 di tích, danh thắng được xếp hạng, đặc biệt có vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới nên việc duy trì, phát triển công nghiệp khai khoáng sẽ phải đối mặt với thách thức và áp lực về môi trường sinh thái, mâu thuẫn xung đột với phát triển ngành du lịch, dịch vụ thương mại. Bên cạnh đó, do phát triển các khu dân cư, khu đô thị với tốc độ nhanh đã xây dựng trên bề mặt một số mỏ sét có chất lượng tốt, trữ lượng lớn (Giếng Đáy, Kim Sen, Hoàng Quế…).
Từ thực tế trên, mới đây UBND tỉnh đã họp cùng các ngành, địa phương liên quan cho ý kiến về bổ sung Quy hoạch 1160.
Theo đó, sẽ đưa ra ngoài quy hoạch 6 khu vực đầu tư thăm dò khoáng sản (gồm 1 khu vực sét gạch ngói, 2 khu vực đá xây dựng, 2 khu vực cát xây dựng, 1 khu vực cát san lấp). Tiếp tục đầu tư thăm dò 4 khu vực theo Quy hoạch 1160. Đầu tư mới thăm dò 21 khu vực (gồm 9 khu vực khai thác sét, 8 khu vực cát xây dựng, 2 khu vực cát san lấp, 2 khu vực pyrophylit). Giai đoạn từ 2021-2030: Tiếp tục đầu tư 1 khu vực sét gạch ngói và đầu tư mới thăm dò khu vực khai thác sét.
Đối với việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khai thác khoáng sản, sẽ đưa ra khỏi quy hoạch 9 khu vực khai thác, duy trì 92 khu vực, đầu tư mới 21 khu vực. Riêng về đá xây dựng theo định hướng chỉ đạo của tỉnh giai đoạn 2018-2020 sẽ thực hiện đóng cửa một số mỏ ảnh hưởng đến khu vực được định hướng phát triển du lịch dịch vụ cao cấp. Giai đoạn 2020-2025, đóng cửa toàn bộ các mỏ, chấm dứt khai thác đá; tuyệt đối không cấp phép khai thác mới các mỏ đá.
Cụ thể, từ 2018-2020 điều chỉnh đưa ra khỏi quy hoạch 2 khu vực là mỏ đá ryolit tại xã Quảng Sơn (Hải Hà) đã cấp phép thăm dò cho Công ty CP Đầu tư xây dựng Việt Long vì nằm trong quy hoạch KKT cửa khẩu Móng Cái. Cùng với đó, đóng cửa 2 mỏ đá vôi tại phường Quang Hanh (Cẩm Phả) và xã Thống Nhất (Hoành Bồ); duy trì khai thác 28/28 khu vực khai thác, nâng công suất 6 khu vực để rút ngắn thời gian khai thác. Giai đoạn 2021-2025, đóng cửa mỏ, chấm dứt hiệu lực 7 khu vực khai thác; duy trì khai thác 20 khu vực còn lại. Giai đoạn sau năm 2025 chấm dứt hoàn toàn hoạt động khai thác đá làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Về cát xây dựng, giai đoạn 2018-2020 duy trì 7 khu vực khai thác cát xây dựng với sản lượng 302.000m3; bổ sung mới 8 khu vực mỏ cát cuội sỏi lòng sông trên địa bàn các huyện miền Đông và TX Đông Triều với mục tiêu sản lượng 1.397 triệu m3. Tuy đã bổ sung các khu vực có trữ lượng cát đã thăm dò vào quy hoạch và bổ sung các khu vực thăm dò mới nhưng lượng cát xây dựng vẫn thiếu hụt rất lớn.
Hiện tỉnh đã cho phép 2 đơn vị là Công ty TNHH Thiên Nam và Công ty TNHH Thái Dương nghiên cứu sản xuất thử nghiệm nghiền cát từ nguồn đất đá thải mỏ. Đến nay đã có Công ty TNHH Thiên Nam đi và hoạt động, dự kiến có khoảng 1 triệu m3/năm bù đắp một phần lượng cát thiếu hụt trên địa bàn tỉnh.