Với tôi, cuộc đời làm báo, có lẽ được tính từ cái tin ngắn bé bằng nửa bàn tay viết về tăng gia rau xanh được in trên báo Quân đội Nhân dân cách đây khoảng 40 năm.
Lúc ấy, tôi là một chiến sĩ của Binh đoàn Trường Sơn đóng ở tỉnh Quảng Trị được đơn vị cử đi học lớp thông tin viên của báo Quân đội Nhân dân tại Hà Nội.
Mẩu tin Rau xanh trên vùng đồi gió nóng ấy được coi như kết quả của tôi trong đợt bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí toàn quân kéo dài một tháng này. Nói sao hết niềm vui sướng khi tác phẩm báo chí đầu tiên của mình được dán lên một tờ báo lớn trong nước. Kể từ đó đến nay, tôi đã viết hàng nghìn bài báo lớn nhỏ với nhiều thể loại. Đến bây giờ khi đã về hưu rồi nhưng niềm say mê làm báo của tôi hầu như còn nguyên vẹn. Tôi vẫn là cộng tác viên thân thiết của khá nhiều tờ báo trong nước, từ Trung ương đến địa phương.
Tôi nghĩ, cái thú vị nhất của cuộc đời làm báo là được đi. Báo chí phản ánh trung thực, kịp thời đời sống xã hội nếu không đi làm sao có chất liệu và cảm hứng để làm nên tác phẩm. Đi chính là hành trình phát hiện ra những cái hay, cái đẹp của công cuộc dựng xây đất nước và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân, chiến sĩ ta. Những vùng đất ta đến, những con người ta gặp sẽ là khung cảnh, nhân vật cho những bài báo sắp viết. Ý tưởng, nội dung, bố cục… của một tác phẩm báo chí phần lớn được phôi thai, hình thành từ những chuyến đi ngắn dài, xa gần, vui buồn như thế.
Không đi làm sao có được những bút ký, ghi chép, phóng sự, ký sự, thậm chí cả tin ngắn, tin sâu… thấm đẫm hơi thở nóng hổi, mồ hôi mặn mòi của cuộc sống để từ đó người đọc dễ dàng hình dung được vùng đất, con người nơi xa lạ. Kể cả những vùng miền mình đã thân thuộc, những con người mình từng gặp gỡ nhưng khi vào trang báo vẫn mang dáng vẻ, đường nét khác.
Cảm xúc và tài hoa của người viết thổi hồn vào từng con chữ và nhờ thế cuộc sống qua báo chí bỗng trở nên sinh động, chấp chới, lung linh hơn. Bao giờ và lúc nào thì xã hội cũng rất cần những bài báo viết về cái hay, cái đẹp của con người bởi đó là phần cơ bản của cuộc sống. Biểu dương cái tốt đẹp cũng là cách tốt nhất để tôn vinh sự nhân văn; cái mục đích cao cả cũng là động lực mạnh mẽ của con người hướng tới tương lai.
Viết về cái tốt đẹp một cách minh bạch, thân thiện là nhu cầu của mỗi người làm báo chứ không phải sự tô hồng cuộc sống một cách vô lối. Đằm sâu vào cuộc sống mới hy vọng có được những bài báo sinh động, sâu sắc và những chuyến đi chính là cơ hội để người cầm bút làm được điều đó. Dễ mà khó, rất khó. Đi của người làm báo không phải là những cuộc du ngoạn thông thường. Đi là để quan sát, để thâm nhập, để phát hiện, để suy ngẫm và cuối cùng, cái gì đến sẽ đến, những tác phẩm báo chí được dựng nên từ đó. Quan sát kỹ, thâm nhập sâu, phát hiện nhanh, suy ngẫm đúng là tiền đề của những bài báo hay.
Cách đây nửa tháng, tôi có chuyến đi Trường Sa và vùng DK1 lần thứ hai. Cuộc sống của chiến sĩ, nhân dân ta trên hai vùng lãnh hải đó đã ùa vào tôi nhiều cảm xúc tươi rói cũng như những chất liệu mới. Hai bút ký Nhà giàn, ngày bình yên và Trở lại Trường Sa tôi viết sau chuyến đi đã in trên báo Văn nghệ, tạp chí Văn nghệ Quân đội số gần đây.
Tồn tại xã hội luôn có hai mặt, nên không thể chỉ viết về cái tốt đẹp mà bỏ qua cái xấu xa. Tôi nghĩ, một nền báo chí tiến bộ, nhân văn chắc chắn không bao giờ nương tay với cái ác, cái xấu. Càng biết tôn vinh cái tốt đẹp bao nhiêu thì càng phê phán sự xấu xa bấy nhiêu.
Minh chứng rõ ràng nhất là bên cạnh không ít bài báo ngợi ca sự bình dị mà cao quý của nhiều người trong xã hội ta hiện nay lại có những bài viết vạch trần sự tham nhũng, tiêu cực. Giá trị của sự ngợi ca và phê phán là như nhau, chỉ cần, cần nhất điều này: sự trung thực, trong sáng của người cầm bút khi thể hiện nó. Sự trung thực là phẩm chất số một của nhà báo. Chẳng thể khác được đâu, không trung thực anh chả bao giờ là nhà báo đúng nghĩa cả.
Có người cho rằng, viết về tiêu cực khó hơn phản ánh sự tích cực. Không phải thế! Mục đích cuối cùng của một tác phẩm báo chí là sức thuyết phục. Thuyết phục bạn đọc tin vào điều mình viết, mình nói. Tác phẩm báo chí càng dành được nhiều lòng tin của công chúng càng thành công. Nhà báo giỏi là người truyền được cảm hứng cho bạn đọc từ tác phẩm của mình. Báo viết, báo hình, báo nói, báo mạng… đều như thế cả. Người ta có thể yêu ghét, thương giận, tụng ca phẫn nộ, đồng thuận phản đối sau khi đọc một bài báo. Sức mạnh của báo chí chẳng hề nhỏ bé chút nào; trong thời đại thông tin siêu bùng nổ như hiện nay thì sức mạnh đó càng được nhân lên gấp bội.
Đương nhiên, sức mạnh được coi như một dạng quyền lực đó nó cũng có hai mặt lành – dữ khó lường đoán. Một thông tin giả, đểu, xấu được nhân lên với tốc độ chóng mặt có thể làm nguy hại không nhỏ đến xã hội. Ngăn ngừa và chống lại những bài báo mang mục đích xấu, những thông tin độc hại là việc không thể không làm của những nhà báo chân chính. Cho nên viết cái tốt đẹp hay cái xấu xa đều cùng cần sự trong sáng, công tâm của nhà báo.
Viết để làm gì? Xin nhắc lại những điều nhà báo nào cũng biết. Viết cho Tổ quốc. Viết vì nhân dân. Viết để những cái tốt đẹp được lan tỏa. Viết cho sự xấu xa, tiêu cực ngày càng giảm. Thật vô cùng hạnh phúc khi trong từng tác phẩm của chúng ta mang tấm lòng yêu nước, thương dân, chứa đựng khát vọng công bằng của muôn người. Là nhà báo chúng ta đừng lãng quên, đừng bỏ qua những điều cao cả dù đôi khi nó được biểu hiện hết sức bình thường trong cuộc sống cũng như không được né tránh hay tệ hại hơn là bao che, giấu giếm cái xấu vốn đã được ngụy trang, nghi binh rất khéo léo trong thời nay. Trung thực – Dũng cảm. Phải chăng, đấy chính là cái Tâm sáng đẹp của người làm báo.
Nguyễn Hữu Quý