Tokyo – thành phố giấu sông và chiến dịch đảo ngược thế kỷ ô nhiễm

Dưới lòng Tokyo có hơn 100 dòng sông, nhưng từ trên mặt đất, khó nhận ra điều này. Vì sao thủ đô của Nhật lại giấu đi và quay lưng lại với các con sông của mình trong quá khứ?

Trong dòng người vô tận qua lại giao lộ Shibuya hằng ngày, ít ai nhận ra rằng ngay dưới chân họ là một dòng chảy khác. Đây là nơi hai dòng sông cổ xưa Uda và Onden giao nhau.

Bên dưới tất cả các tòa nhà bê tông và những khu phố rực đèn neon, Tokyo là thành phố của sông nước. Sông nước góp phần giúp thủ đô của Nhật Bản trở thành nơi sinh sống của 37 triệu dân. Từ làng chài trở thành trung tâm quyền lực chính trị của cả nước, quản lý sông ngòi hiệu quả từng là động lực cho sự phát triển thần kỳ của thành phố.

Thế nhưng, Tokyo đã quay lưng lại với sông nước. Dù các thành phố từ Seoul, Chicago đến Sheffield (Anh) đang làm sống lại các khu ven sông, đạt lợi ích lớn về kinh tế và môi trường, Tokyo đã để ứ đọng và san lấp nhiều sông ngòi, kênh rạch từng là các tuyến giao thông chính. Giờ đây, các khu vực ven sông của Tokyo dơ dáy, tiêu điều và gần như bị bỏ hoang, theo Guardian.

Tokyo nhìn từ trên cao. (Ảnh: Getty Images).

Từng là thành phố của sông nước

Nhìn từ trên cao, bạn sẽ thấy bốn sông chính giao nhau ở Tokyo: Arakawa, Sumidagawa, Edogawa và Tamagawa. Tuy nhiên, đó chỉ là những con sông chính trong số hơn 100 sông tự nhiên và kênh nhân tạo chảy dưới thành phố.

Trên thực tế, chính sách thủy lợi đã giúp Edo, tên cũ của Tokyo, mở rộng hơn cả London vào năm 1700. Thương mại phát triển dọc vịnh Tokyo, và hàng hóa được chở dọc các kênh rạch như trên đường cao tốc ngày nay. Nhà hát, phòng trà, và dĩ nhiên cả những khu phố đèn đỏ nở rộ quanh các tuyến giao thông đường thủy.

Dấu hiệu của sông nước từng là huyết mạch của thành phố còn đâu đó giữa lớp vỏ bêtông hiện nay. Chẳng hạn, những tuyến phố với lùm cây xanh tốt hai bên thường có dòng chảy bên dưới.

“Trong quá trình hiện đại hóa, sông nước đã mất dần vai trò”, theo Giáo sư Hidenobu Jinnai từ ĐH Hosei. “Tuy nhiên, các ký ức, hình ảnh quá khứ vẫn tồn tại ở Tokyo ngày nay và là phần quan trọng nếu muốn hiểu thành phố này”.

Đại thảm họa động đất Kanto năm 1923 là đòn giáng đầu tiên đối với định hướng phát triển Tokyo dựa vào sông ngòi. Thành phố được tái thiết theo cách xây dựng phương Tây, để rồi chiến tranh thế giới thứ hai tiếp tục san phẳng thành phố. Đợt đăng cai Olympic 1964 là yếu tố quyết định khiến Tokyo quay lưng lại với sông nước, và đây không phải điều tốt, theo Giáo sư Jinnai.

“Olympic Tokyo 1964 đã chính thức thay đổi Tokyo vốn là thành phố sông nước”, ông nói. “Chất lượng nước ở Tokyo tệ đi vì ô nhiễm. Cao tốc phủ lên các kênh rạch, công nghiệp hóa, giao thông… là những nguyên nhân khiến người dân càng xa cách với sông nước”.

Bức tranh từ khoảng năm 1830 cho thấy thuyền bè sầm uất trên sông nước ở Tokyo. Đằng xa là cầu Nihonbashi nổi tiếng. (Ảnh: Getty Images).

Cảnh ven sông vô hồn, ảm đạm

Một chuyến đi thuyền Sumida với các nhà hoạt động vì sông nước cho thấy những khu công nghiệp vô hồn và chung cư màu xám. Quy định chặt chẽ về xây dựng trong khu vực ngập úng quanh sông được nới lỏng năm 2004, và lần nữa năm 2011, nhưng vẫn ít nhà đầu tư coi đó là cơ hội.

Khung cảnh toát lên vẻ ảm đạm và thờ ơ, nhưng cũng hé lộ các cơ hội. Các nhà hoạt động nói với Guardian về những cây hoa anh đào. Họ nói mùa hoa anh đào từng tuyệt đẹp trên các con sông thời Edo.

Không nhiều tàu thuyền qua lại, một phần vì nhiều bến tàu chỉ dành cho trường hợp khẩn cấp. Các bến tàu cũng do các cơ quan phường, thành phố, quốc gia quản lý một cách rời rạc, càng khiến doanh nghiệp khó khai thác, theo Guardian.

Để phục vụ Olympic 1964, thành phố quy hoạch lại hệ thống giao thông, xây dựng cao tốc ngay phía trên kênh rạch để đỡ tốn chi phí giải phóng mặt bằng. Sông Nihonbashi và cây cầu xinh đẹp thời Minh Trị là những “nạn nhân” nổi bật nhất, nhưng ảnh hưởng lên hệ sinh thái và kinh tế còn lớn hơn.

Việc xây dựng các cột trụ trong lòng sông tiếp tục gây ô nhiễm, sau nhiều năm kênh rạch đã bị ô nhiễm bởi nước thải và công nghiệp. Vì bộ mặt của Tokyo mùa Olympic, nhiều dòng chảy bị cho là quá ô nhiễm và đã bị san lấp bằng bêtông hoặc che đi, trở thành đường phố.

Dù vậy, hệ thống xử lý nước thải tiên tiến của Tokyo là một điểm sáng. Hệ thống toilet của Tokyo hiện đại nhất thế giới, khiến sông ngòi đỡ ô nhiễm nặng hơn.

Sông Shibuya ở Tokyo. (Ảnh: Jan Piotrowicz/Twitter).

Đảo ngược cả thế kỷ xả thải

Giờ đây, khi Tokyo chuẩn bị cho Olympic 2020, nhiều ý kiến kêu gọi đánh giá lại vai trò của sông nước. Công viên nước Odaiba sẽ đăng cai các nội dung ba môn phối hợp và bơi việt dã, buộc thành phố phải đối phó với tình trạng ô nhiễm ở vịnh Tokyo, hệ quả của hàng thế kỷ xả thải.

Có những đề xuất phá hủy cầu vượt Nihonbashi, biến nó thành hầm vượt dưới sông, thay vì ở trên. Đề xuất này được nhắc đến năm 2005, và đến 2017, các quan chức xác nhận sẽ thực hiện sau Olympic. Tuần trước, chính quyền công bố bản đánh giá tác động môi trường của hầm vượt, và công ty tư vấn xây dựng đã chính thức bắt tay vào làm việc.

Thành phố cũng dự định tăng cường đội tàu trên các con sông, để giao thông đường thủy trở thành một lựa chọn khả thi.

“Kênh rạch là tuyến giao thông quan trọng và có tác dụng điều hòa hiệu ứng ốc đảo nhiệt”, theo kiến trúc sư Norihisa Minagawa, đồng sáng lập nhóm tour đi bộ khám phá lịch sử Tokyo.

Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất để Tokyo hồi sinh hệ thống kênh rạch không phải là tiền, mà là sự thờ ơ của người dân. Việc khiến người Tokyo hào hứng với sông ngòi trở lại sau nhiều thập kỷ bỏ mặc không hề dễ dàng.

“Rất khó để lay chuyển công chúng và bộ máy chính quyền”, ông Minagawa nói. “Đầu tư không phải vấn đề quá lớn. Nếu con người muốn thì rất dễ. Các dự án không khó, không phức tạp và không thiếu tiền. Điểm khó hơn là con người không hứng thú, vì vậy giáo dục nhận thức là quan trọng”.

Để tìm cảm hứng, nhiều ý kiến hướng sang các thành phố nước khác. “Ở Treviso, Italia, nhiều kênh rạch đang được mở rộng khắp thành phố. Họ thậm chí không làm vậy vì du lịch, mà đơn giản muốn làm giàu cuộc sống đô thị”, ông Jinnai nói với Guardian. “Sự hồi sinh của dòng sông Thames ở London, và của các kênh rạch ở Milan, là những ví dụ tốt cho Tokyo”.

“Thành phố lý tưởng phải là sự hồi sinh của ‘Tokyo trên sông’”, ông Minagawa nói. “Hãy làm sống lại các con kênh”.