Sáng 19/6, tại TP. Mỹ Tho (Tiền Giang) diễn ra hội nghị toàn thể Ủy ban sông Mê Công Việt Nam lần thứ nhất năm 2019.
Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết: Nghị quyết 120 mang tầm chiến lược tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy, giữ trọn con đường phát triển cho ĐBSCL thích ứng với các điều kiện biến đổi khí hậu cũng như các tác động của sự phát triển kinh tế.
Sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ, nhận thức chung của toàn xã hội về các thách thức, tư duy phát triển bền vững ĐBSCL đã có nhiều chuyển biến rất lớn, tích cực về nhận thức. Song, mặt tiêu cực, tổn thương đối với ĐBSCL vẫn chưa được khắc phục.
Tại hội nghị các đại biểu được nghe báo cáo của Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam về kết quả tham vấn Dự án thủy điện Pắc Lay trên dòng chính sông Mê Công, báo cáo thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao trong Nghị quyết số 120/NQ-CP, tình hình sử dụng nước và chuyển nước của Thái Lan.
Đặc biệt, báo kết quả hoạt động và chương trình công tác năm 2019, nhằm đánh giá đề xuất các giải pháp nhằm thực thi có hiệu quả Hiệp định Mê Công, phát huy vai trò của Việt Nam tại Ủy ban sông Mê Công quốc tế và tăng cường hợp tác trong công tác quản lý và khai thác sử dụng tài nguyên nước sông Mê Công. Đây là một phần nhiệm vụ quan trọng trong Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL.
Sông Mê Công là một trong những dòng sông lớn nhất thế giới, chảy qua Trung Quốc, Lào, My-an-ma, Thái Lan và Việt Nam trước khi đổ ra biển Đông. Vùng hạ lưu sông Mê Công (trừ Trung Quốc, My-an-ma) có khoảng 65 triệu người, trong đó khoảng 85% phụ thuộc vào dòng sông Mê Công.
Lưu vực sông Mê Công hiện đang phải đối mặt với các thách thức to lớn từ các hoạt động kinh tế- xã hội như: Phát triển thủy điện (các quốc gia ven sông đã khai thác gần 50% tiềm năng thủy điện, Trung Quốc đã hoàn thành gần 70% tiềm năng và Lào cũng phát triển thủy điện dòng chính), chuyển nước ra ngoài lưu vực (Thái Lan chuyển nước sang lưu vực sông Chao-phray-a), gia tăng nhu cầu sử dụng nước (Lào, Campuchia, Thái Lan mở rộng diện tích canh tác), biến đổi khí hậu (nước biển dâng) và các hoạt động khác như khai thác cát, tàn phá rừng, nạo vét lòng sông,…
Các thách thức này sẽ gây biến động chế độ dòng chảy như lũ lụt biến động bất thường, sụt giảm mùa khô, chất lượng nước suy giảm và ô nhiễm, xâm nhập mặn, suy giảm nguồn dinh dưỡng phù sa, cát sụt giảm, gây xói lở,… hệ sinh thái bị đe dọa từ đó ảnh hưởng đến các ngành kinh tế như giao thông, thủy sản và nguồn sống sinh kế của người dân.
Chính vì vậy cần khẳng định vị trí chức năng nhiệm vụ đối với Ủy ban sông Mê Công Việt Nam. Trong đó các hoạt động liên quan như ngoại giao với các quốc gia thượng nguồn tham vấn về các đề sử dụng nước hợp lý thông qua các tham vấn kỹ thuật thủy điện trên các dòng chính sông Mê Công. Cập nhật liên quan đến các nguy cơ giải pháp toàn diện.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, vấn đề hiện nay của ĐBSCL là cơ quan nào đóng vai trò điều phối để tập hợp lực lượng và có đủ năng lực để giải quyết các vấn đề lớn như phối hợp liên vùng, kết nối vùng, giải quyết các đề án dự án: quy hoạch, hạ tầng với tầm nhìn dài hạn.